Tiếp tục được vinh danh Điểm đến hàng đầu châu Á 2024: Khẳng định sức hút đặc biệt của Việt Nam

(Banker.vn) Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á 2024, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024 và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024.
Quảng bá du lịch tại châu Âu, Việt Nam tìm cách kéo khách chi tiêu cao Du lịch đêm Việt Nam: Làm gì để du khách “móc hầu bao” nhiều hơn?

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tại Lễ trao giải Giải thướng du lịch thế giới, (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 năm 2024, ở cấp quốc gia, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”.

Đáng chú ý, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 6 trong 7 năm qua Việt Nam tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (vào các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024), khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới. Năm nay, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để đạt danh hiệu cao quý này, đó là các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Sri Lanka.

Tiếp tục được vinh danh Điểm đến hàng đầu châu Á 2024: Khẳng định sức hút đặc biệt của Việt Nam
Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Ảnh: Indochine

Ở cấp địa phương, năm nay, Thủ đô Hà Nội tiếp tục được vinh danh tại hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giành giải “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á". Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên được xướng tên tại hạng mục "Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á".

Đô thị cổ Hội An lần thứ 5 vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”. “Viên ngọc xanh” Mộc Châu lần thứ 3 liên tiếp đạt giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á”. Tỉnh biên giới nơi địa đầu tổ quốc Hà Giang lần đầu ghi danh tại hạng mục "Điểm đến du lịch văn hóa cấp địa phương hàng đầu châu Á". Tỉnh Hà Nam lần đầu tiên đứng đầu hạng mục “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.

Cùng với đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành... cũng được vinh danh tại nhiều hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á 2024.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, việc Việt Nam liên tục được vinh danh tại giải thưởng được mệnh danh là “Oscar của ngành Du lịch” là minh chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ của thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, nhận được sự yêu mến của đông đảo bạn bè, đối tác quốc tế.

"Đây là cơ hội vàng và là động lực to lớn để ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục nỗ lực xúc tiến, quảng bá những giá trị nổi bật, đưa hình ảnh Việt Nam lan tỏa rộng rãi trên thế giới, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam"- theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ với Báo Công Thương, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” và “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 6 không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch nước nhà, mà còn là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên.

Những danh hiệu này giống như một lời khẳng định về vẻ đẹp đa dạng và sức hút đặc biệt của đất nước chúng ta. Từ những kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long, đến những di sản văn hóa được UNESCO công nhận như phố cổ Hội An, quần thể di tích Cố đô Huế, tất cả đều chứa đựng những câu chuyện đầy màu sắc về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Đó là những câu chuyện không chỉ gắn liền với quá khứ mà còn lan tỏa sức sống mãnh liệt đến hiện tại và tương lai.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin tưởng, sự vinh danh này không chỉ là một thành quả đáng tự hào mà còn là một lời kêu gọi mạnh mẽ cho tất cả chúng ta – những người con của đất nước – về trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn những giá trị vô giá mà chúng ta đang có. Những danh hiệu này không chỉ thu hút hàng triệu du khách quốc tế mà còn khơi dậy trong lòng mỗi người Việt niềm tự hào, lòng yêu nước và ý thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ thêm, đi kèm với vinh quang là thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cần phải xây dựng những chiến lược dài hạn, kết hợp hài hòa giữa việc khai thác tiềm năng du lịch và bảo vệ môi trường, giữa phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa.

"Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng, những danh hiệu hôm nay không chỉ là những danh hiệu, thương hiệu trong ngắn hạn, mà còn là nền tảng vững chắc cho một tương lai bền vững, nơi mà di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ mai sau" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương