Thương mại điện tử chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số

(Banker.vn) Năm 2023, thương mại điện tử đã có sự phát triển bứt phá, tăng trưởng thuộc top đầu thế giới và chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ doanh nghiệp khuyến công chuyển đổi số Đảm bảo mối quan hệ hữu cơ giữa sự phát triển thương mại điện tử và quyền lợi người tiêu dùng

Thương mại điện tử, kinh tế số phát triển bứt phá

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đạt được kết quả nổi bật.

Cụ thể, về hoạt động thương mại điện tử đã có sự phát triển bứt phá, tăng trưởng thuộc top đầu thế giới.

"Quy mô thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt 20,5 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 4 tỉ đô la Mỹ và tương đương 25% so với năm 2022. Đặc biệt, thương mại điện tử đã chiếm đến gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số. Điều này chứng minh, thương mại điện tử chính là động lực lớn nhất thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước" - bà Oanh cho biết.

Thương mại điện tử chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại hội nghị

Về hoạt động chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, trong năm qua, Cục đã tạo được dấu ấn đột phá. Với sự chỉ đạo của Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Bộ, từ quan điểm xuyên suốt lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ, Bộ Công Thương được xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời, trong năm qua, Cục đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển thương mại điện tử như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý thực thi thương mại điện tử; tổ chức sự kiện quảng bá, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển; đào tạo tập huấn; hợp tác quốc tế về thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ hiệu quả trong việc thực hiện Chính phủ số như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với việc tham mưu ban hành 22 văn bản trong năm 2023 về cải cách hành chính, Chính phủ số; định hướng Chính phủ số trong việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Công Thương; các hoạt động cải cách hành chính như số hóa thủ tục hành chính, vận hành cổng dịch vụ công, kết nối cổng dịch vụ công – cơ chế một cửa quốc gia, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.

"Đối với các hoạt động của Bộ Công Thương, Cục cũng góp phần không nhỏ trong việc điều hành tốt hệ thống điều hành nội bộ của Bộ Công Thương; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng" - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.

Thương mại điện tử chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số
Các đại biểu tham dự hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lê Hoàng Oanh cũng chỉ ra những khó khăn còn tồn tại trong phát triển thương mại điện tử: Thứ nhất, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, an ninh mạng chưa được đảm bảo. Vấn đề mạng lưới giao hàng, kho bãi, logistics, đặc biệt là giao hàng đến vùng sâu, vùng xa vẫn là thách thức lớn.

Thứ hai, việc sử dụng tiền mặt vẫn chưa phổ biến, đây cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của thương mại điện tử.

Thứ ba, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến trên môi trường thương mại điện tử. Điều này đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong mua sắm trên không gian mạng.

Thứ tư, nguồn nhân lực để phục vụ thương mại điện tử còn thiếu và hạn chế.

Đề ra định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024 và những năm tới, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Cục sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử theo các mục tiêu bao gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của Bộ; xây dựng Chính phủ số theo đúng phương châm 4 không – 4 có; đổi mới căn bản phương thức quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông một cách hiệu quả”.

Thương mại điện tử chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số
Đại diện các phòng, ban chức năng của Cục trình bày tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các phòng, ban chức năng của Cục cũng đã trình bày tham luận trong việc thực hiện hoạt động thương mại điện tử, triển khai chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong năm 2023. Đồng thời, đại diện các đơn vị cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc quản lý thương mại điện tử, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh Chính phủ điện tử tại Bộ.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đạt được trong năm 2023.

"Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế của đất nước, đặc biệt là đối với ngành Công Thương. Trong bối cảnh khó khăn đó, ngành Công Thương nói chung, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói riêng đã đạt được những kết quả như báo cáo là nỗ lực rất lớn và đáng ghi nhận" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được của Cục, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra một số hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Cụ thể như, vấn đề nhận thức về chuyển đổi số ở một số đơn vị thuộc Bộ còn chưa được chú trọng nên thực hiện chưa quyết liệt; chưa tích cực trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu; sự phối hợp giữa các đơn vị trong bộ chưa hiệu quả; cơ sở vật chất, hạ tầng đối với các cá nhân, đơn vị còn thiếu đồng bộ; những quy định của pháp luật, quy chế, quy định của ngành đối với công tác chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử của Bộ cũng còn nhiều hạn chế.

Thương mại điện tử chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ, phương hướng đã đề ra trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

Một là, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, không chỉ trong Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ toàn ngành thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn mới, nâng cao trách nhiệm toàn ngành, tạo quyết tâm chính trị cao trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Hai là, phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy chế, quy định hoặc kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp đối với lĩnh vực chuyển đổi số nói chung và những hoạt động chuyển đổi số của ngành Công Thương nói riêng.

Tham mưu, đề xuất ban hành mới quy định của pháp luật, quy định của ngành đối với các hoạt động thương mại điện tử sao cho hạn chế những yếu kém, những vi phạm pháp luật trong môi trường thương mại điện tử, hạn chế việc lộ, lọt thông tin trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành và của Bộ.

Ba là, tập trung cao từ Cục và lan tỏa đến các đơn vị thuộc Bộ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Bộ. Nơi nào có hoạt động quản lý của Bộ Công Thương, của các đơn vị chức năng thuộc Bộ đều có thể ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành. Tập trung phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, Big data, nỗ lực về mọi mặt để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ với Chính phủ, chia sẻ với các bộ, ngành, các địa phương và toàn xã hội.

Bốn là, phải tiếp tục tham mưu để Bộ có thể nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng cứng là các hệ thống thiết bị và hạ tầng mềm là các phần mềm, ứng dụng công nghệ, cần nâng cấp hệ thống đồng bộ;

Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quan tâm chăm lo, nâng cấp, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ và phải xây dựng đề xuất cơ chế để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với những vi phạm của các đơn vị và cá nhân trong thực hiện công cuộc chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử.

Thương mại điện tử chiếm gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục tham dự hội nghị

Năm là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin; đưa ra những cơ chế, giải pháp về kỹ thuật và pháp lý để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trong môi trường thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền cho toàn xã hội hiểu về những nỗ lực của đơn vị và của Bộ.

Sáu là, quan tâm chăm lo đến công tác đảng, công tác chính trị, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, các thiết chế trong đơn vị, từ công đoàn, đoàn thanh niên. Nêu gương lãnh đạo Cục, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục, cán bộ, đảng viên, cán bộ cốt cán. Chú trọng công tác tư tưởng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cán bộ…

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Hội nghị về 5 nguyên nhân cũng như 6 nhiệm vụ, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, trên cơ sở đó, Cục sẽ cố gắng để xây dựng kế hoạch năm 2024 đạt được hiệu quả trong công tác thương mại điện tử, kinh tế số, cũng như phát triển thương mại điện tử toàn quốc nói chung và đặc biệt là công tác chuyển đổi số, Chính phủ số của ngành Công Thương nói riêng.

Đỗ Nga - Cấn Dũng

Theo: Báo Công Thương