Thực thi Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội bán hàng tại thị trường Anh

(Banker.vn) Với những ưu đãi nổi bật từ Hiệp định UKVFTA, các đoanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội bán hàng tại thị trường Anh.
Gần 2 năm thực thi Hiệp định UKVFTA: Xuất khẩu từ Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng tích cực Hiệp định UKVFTA mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam

Ưu đãi nổi bật theo UKVFTA

Theo Hiệp định UKVFTA, 65% thuế quan đã được xoá bỏ đối với thương mại Việt Nam-Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi hiệp định có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam.

Những ưu đãi nổi bật khác từ UKVFTA có thể đến như với ngành thuỷ sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh sẽ giảm từ 10-20% xuống 0%; trong ngành gỗ, nhiều mặt hàng sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới; trái cây, 94% trong tổng số 547 dòng thuế sẽ được xoá bỏ.

Ngoài ra, UKVFTA đã duy trì cam kết giữa EU và Việt Nam về tự do hoá thị trường mua sắm công và đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường có hiệu lực.

Như vậy, có thể thấy với những cam kết sâu về mở cửa thị trường, hàng hoá, dịch vụ, nên Hiệp định UKVFTA được mong đợi sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ trong thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư song phương.

Thực thi Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội bán hàng tại thị trường Anh
Hàng hoá xuất khẩu cần tìm kiếm các kênh phân phối để tiếp cận thị trường Anh. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bô Công Thương đánh giá, kể từ khi UKVFTA có hiệu lực thì thị trường Anh là một trong những thị trường rất đáng chú ý.

Trong đó, theo ông Ngô Chung Khanh, ở khía cạnh liên quan đến việc tăng trưởng xuất nhập khẩu, năm 2021, tức là một năm sau khi UKVFTA có hiệu lực thì xuất nhập khẩu hai chiều tăng rất mạnh, đặc biệt là từ phía Vương quốc Anh tăng trưởng đến 24%, xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh cũng tăng trưởng 19%.

Năm 2022, khó khăn chung của thế giới và kể cả nền kinh tế Anh có giảm nhưng xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh tăng khoảng 1,9% và đặc biệt nhập khẩu từ Vương quốc Anh tăng trưởng khoảng gần 3%”- ông Khanh nói.

Từ các kết quả trên, có thể thấy, dù mới thực thi, song Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12-19%.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang Anh quốc trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo UKVFTA. Mặt khác, hiện Anh đang có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ukraina. Ngoài ra, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người).

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng khuyến nghị, quá trình tiếp cận thị trường Anh sẽ có không ít thách thức trong bối cảnh thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

Tăng cường tìm kiếm kênh phân phối cho sản phẩm

Một trong các giải pháp để vượt qua các thách thức cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường đó là đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hoá. Về vấn đề này, ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Anh sẽ có sự cạnh tranh với nhà sản xuất của các nước khác. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu cần đáp ứng hoặc vượt mức tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu bởi Anh.

Ngoài ra, ông Bob Fletcher đặc biệt nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi tìm kiếm, tiếp tận thị trường, kết nối với người tiêu dùng một cách hiệu quả, cũng như chủ động tham gia vào các hội chợ thương mại, sự kiện ngành để tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp Anh mong muốn có hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Tại ấn phẩm về Thị trường Anh – Những điều cần biết do Thương vụ Việt Nam tại Anh thực hiện cũng đã thông tin, tư vấn về cách tiếp cận thị trường Anh qua các kênh phân phối, bán hàng tới doanh nghiệp. Trong đó, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, hiện Anh có hệ thống kênh phân phối và bán hàng phát triển bậc nhất thế giới. Thị trường có sự phân định rõ ràng và có sự tham gia của nhiều công ty trong chuỗi. Nhiều công ty thương mại làm đầu mối nhập khẩu tìm kiếm sản phẩm cho các công ty buôn bán. Các công ty buôn bán sau đó phân phối lại cho các công ty bán lẻ để bán tới tay người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, các tập đoàn siêu thị tìm đặt hàng trực tiếp từ các nhà máy để đa dạng hoá sản phẩm và kiểm soát chất lượng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm qua các công ty thương mại sản xuất theo đơn đặt hàng cho các siêu thị hoặc làm thương mại điện tử trực tiếp tới khách hàng. "Bước khởi đầu quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là quảng bá sản phẩm và cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm của mình cho khách hàng thông qua website và cataloge điện tử bằng tiếng Anh có trình độ chuyên nghiệp cao"- Thương vụ Việt Nam tại Anh cho hay.

Bên cạnh đó, để nhanh chóng vào được thị trường, cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp Việt Nam là tìm kiếm các công ty thương mại hoặc nhà phân phối cho sản phẩm của mình. Nhà phân phối là các công ty đã có sẵn mạng lưới khách hàng bán lẻ như hệ thống các siêu thị. Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, có thể rất ít doanh nghiệp phản hồi ngay do hàng ngày nhận được hàng nghìn thư chào sản phẩm từ các công ty khắp nơi trên thế giới. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần lập danh sách 5-100 công ty Anh và tiếp cận càng nhiều càng tốt, sau đó gửi thư hoặc gọi điện trao đổi trực tiếp.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Anh gợi ý, hiện các siêu thị và tập đoàn bán lẻ của Anh đã và đang chuyển dần sang đặt hàng trực tuyến của nhà sản xuất “uy tín” để đa dạng hoá sản phẩm, tìm kiếm sự sáng tạo, cũng như để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Các tập đoàn lớn như Tesco, Sainsbury’s, Asda và Morrisons sẵn lòng cung cấp nhiều thông tin hướng dẫn và khuyến khích các công ty sản xuất trực tiếp liên hệ với mình. “Trước khi đăng ký, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ website của nhà phân phối để đảm bảo sản phẩm của mình phù hợp với phân khúc thị trường, ưu tiên và tổn chỉ hoạt động của họ”- Thương vụ Việt Nam khuyến nghị.

Mặt khác, cách tiếp theo để tiếp cận thị trường Anh đó là kết nối mạng xã hội. Theo đó, đây là kênh tiếp cận hiệu quả cho các doanh nghiệp để tìm kiếm và kết nối trực tiếp với các giám đốc mua hàng và giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Anh luôn nhấn mạnh, ngoài quảng bán sản phẩm trực tuyến, doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ trực tiếp. Đây là kênh tiếp cận chi phí cao nhưng đổi lại doanh nghiệp sẽ gặp gỡ được khách hàng cũng như các doanh nghiệp lớn đang đi tìm sản phẩm mới.

Cùng với đó, hiện xu hướng marketing (digital marketing) trực tuyến đang được các công ty thương mại phát triển dựa trên công nghệ thông tin truyền thông thế hệ mới. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm sang Anh cần phải xây dựng website bằng tiếng Anh để giới thiệu năng lực sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm với nội dung trọng tâm là các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, thương hiệu; các loại tiêu chuẩn chất lượng đang áp dụng.

Cuối cùng, theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Anh khá lớn nhưng nhiều sản phẩm vẫn mang thương hiệu của doanh nghiệp FDI hoặc thương hiệu của nhà phân phối tại Anh. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nên cùng với nhà phân phối sở tại phát triển thương hiệu sản phẩm của riêng mình phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục