Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong thời gian tới cần hoàn thiện khung khổ pháp lý; hiện đại hoá hạ tầng, các nền tảng dữ liệu số và phát triển hệ sinh thái số; nâng cao nhận thức về quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, Thống đốc đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng với mục tiêu hiện đại hoá toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0. Kế hoạch đặt ra là đến năm 2025 ít nhất 50% nghiệp vụ tài chính cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số và 70% giao dịch thuộc về kênh số. Để hiện thực hoá mục tiêu này, trong thời gian tới cần hoàn thiện khung khổ pháp lý; hiện đại hoá hạ tầng, các nền tảng dữ liệu số và phát triển hệ sinh thái số; nâng cao nhận thức về quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Speeding up digital transformation in banking sector in Vietnam

Abstract: The Fourth Industrial Revolution  is promoting a strong and widespread digital transformation on a global scale. In banking sector in Vietnam, the Governor has approved the plan for digital transformation of the banking industry aiming at comprehensively modernizing management activities of the State Bank of Vietnam as well as operations of credit institutions on the basis of effective application and exploitation  achievements of  4.0 Industrial Revolution. According to  the plan, at least 50% of financial operations will  be performed completely in  digital environment and 70% of transactions belong to digital channels by 2025. In order to realize this goal, in the coming time, it is necessary to improve legal framework; modernizing infrastructure, digital data platforms and developing digital ecosystem; raising awareness as well as knowledge about digital transformation process and improving quality of human resources.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

CMCN 4.0 mà hạt nhân là chuyển đổi số (digital transformation) với trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain)…, đang có những tác động mang tính đột phá, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, internet vạn vật cho phép kết nối, truyền tải thông tin với quy mô lớn; cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây cho phép lưu trữ khối lượng rất lớn thông tin và tạo ra khả năng khai thác, xử lý thông tin hiệu quả; trí tuệ nhân tạo có khả năng hoạt động như bộ não của con người, tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh chóng, giúp đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời. Chuyển đổi số sẽ hình thành Chính phủ số hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch; Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; Xã hội số giúp người dân bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các dịch vụ. Với lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi số là quá trình tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực hoạt động. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là xu hướng tất yếu, một mục tiêu trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng, cần thay đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số. Bài viết sẽ tổng hợp những vấn đề về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, kế hoạch, thành quả và những vấn đề đặt ra đối với quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam.

II. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG - KHÁI NIỆM VÀ CÁC GIAI ĐOẠN CHUYỂN ĐỔI

Chuyển đổi số mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm này mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây với nhiều định nghĩa, cách hiểu khác nhau. Theo Gartner1, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Như vậy, chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây, chuỗi khối… làm thay đổi phương thức quản lý, điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và môi trường văn hóa doanh nghiệp để tạo những giá trị mới.

Trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi số là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực trong hoạt động ngân hàng. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm các công nghệ và các vấn đề pháp lý liên quan, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu (data analytics), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, sinh trắc học, công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), xác minh thông tin nhận biết khách hàng không gặp mặt trực tiếp thông qua phương tiện điện tử (e-KYC); QR Code; công nghệ tài chính (Fintech)…

Theo báo cáo ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam của Ngân hàng TMCP Quân đội, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng thường chia theo 3 giai đoạn gồm: (i) Giai đoạn số hoá (các ngân hàng áp dụng công nghệ vào việc quản trị dữ liệu, quản trị tài nguyên, quy trình vận hành, thay đổi các dịch vụ, quy trình thủ công, truyền thống sang các sản phẩm, quy trình trực tuyến hoặc qua máy tính); (ii) Giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số (các ngân hàng bắt đầu thực hiện chuyển đổi kĩ thuật số toàn bộ hoạt động ngân hàng, bao gồm việc tích hợp và kết nối các quy trình số ở giai đoạn số hóa để mang đến trải nghiệm khách hàng); (iii) Giai đoạn tái tạo số (các ngân hàng kết hợp công nghệ và nền tảng kỹ thuật số chưa từng có trước đây để tạo ra doanh thu, kết quả thông qua các chiến lược sản phẩm cùng trải nghiệm sáng tạo).

III. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về chủ động tham gia CMCN 4.0, chương trình Chuyển đổi số quốc gia Chính phủ, ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN và hoạt động của các TCTD theo hướng hiện đại. Theo đó, đến năm 2025, 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 42 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN.

Trong hoạt động của TCTD, ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số, tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân cũng đạt tỷ lệ tối thiểu 50%, ít nhất 60% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%. Đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet).

Kế hoạch cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại TCTD được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN và đối với TCTD sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Với các NHTM, xác định chuyển đối số là xu hướng tất yếu, nhiều NHTM đã xem việc phát triển mô hình ngân hàng số là mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Theo kết quả khảo sát vào tháng 9/2020 của NHNN, 95% NHTM đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho mình, trong đó 39% NHTM đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số; 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, đa số các NHTM (chiếm 88%) lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ. Cùng với đó, nhiều ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu, chuẩn hoá hạ tầng số tập trung, cho phép chia sẻ, tích hợp, tạo hệ sinh thái số với nhiều ngành, lĩnh vực như: hệ sinh thái Mobile Banking kết nối với các dịch vụ công, dịch vụ tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế... trên cơ sở ứng dụng Mobile Banking khách hàng có thể sử dụng được nhiều tiện ích so với giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Thời gian qua, số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số trong hệ thống NHTM Việt Nam đã có sự tăng  trưởng vượt bậc.

Xu hướng dịch chuyển sang sử dụng các kênh số trong dịch vụ ngân hàng của khách hàng ngày một tăng lên, đa số các ngân hàng đều tin tưởng, trong thời gian tới, tỷ lệ khách hàng sử dụng kênh số sẽ tăng nhanh. Gần 58% các ngân hàng kỳ vọng, trong 3 đến 5 năm tới, khách hàng sử dụng kênh số đạt trên 60%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng hợp tác với các công ty Fintech và kết nối với các hệ sinh thái số của các đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau để giúp khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ một cách đầy đủ và thuận tiện nhất, qua đó tạo sự gắn kết bền vững. Các ứng dụng ngân hàng số đang được khách hàng sử dụng thường xuyên trong các giao dịch như: VCB Digibank của Vietcombank, iPay của VietinBank, Smart Banking của BIDV, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB, LiveBank của TPBank, LienViet24h của LienVietPostBank….

IV. THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG

Như vậy, có thể khẳng định, chuyển đổi số đã và đang được NHNN, các TCTD triển khai quyết liệu, đồng bộ và bước đầu đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đang gặp phải một số vấn đề cần phải tập trung giải quyết, qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng nhằm đạt được các mục tiêu mà kế hoạch chuyển đổi số đã đặt ra.

Thứ nhất, về pháp lý. Khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động thực tiễn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi so với hình thức truyền thống, chính vì vậy, cần rà soát, đồng bộ hoá các quy định pháp lý hiện hành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, một số nội dung quan trọng liên quan đến ứng dụng các công nghệ số như: thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu; giao dịch điện tử... cần sớm được triển khai. Hành lang pháp lý liên quan đến bảo mật thông tin, môi trường giao dịch số, bảo vệ người tiêu dùng… càng hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy niềm tin của công chúng về giao dịch số, sử dụng dịch vụ số.

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng. Quá trình chuyển đổi số cần có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và chuẩn hóa, tạo thuận lợi cho quá trình kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa các ngành, các lĩnh vực khác, qua đó, cùng khai thác để hình thành hệ sinh thái số, nhằm cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Một cơ sở hạ tầng đồng bộ, có tính tương thích cao sẽ cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ nguồn tài nguyên cơ sở dữ liệu bao gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

Thứ ba, về nhận thức. Cần thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng trong tiếp cận, khai thác và sử dụng các dịch vụ số thông qua việc đẩy mạnh truyền thông về tiện ích, an toàn, hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ số đến người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư; về nguồn nhân lực. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần phải có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nhân lực ngành Ngân hàng cần được quan tâm đúng mức.

Như vậy, có thể khẳng định, xu thế chuyển đổi số trong CMCN 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành Ngân hàng tại Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ giúp các ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa vào các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh trên nền tảng số, qua đó, giúp khai thác dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu để các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững.

CHÚ THÍCH:

1 Gartner tên chính thức là Gartner, Inc, thành viên chính thức của S&P 500 và là công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu cung cấp thông tin, tư vấn và công cụ cho các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, tài chính, nhân sự, dịch vụ khách hàng và hỗ trợ, pháp lý và tuân thủ, tiếp thị, bán hàng và chức năng chuỗi cung ứng

2 Theo Điểm d Khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2011/NĐ-CP,  dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất và cho phép người sử dụng điền, gửi các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, thanh toán lệ phí (nếu có) bằng hình thức trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số: 52-NQ/TW, ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

2. Phạm Tiến Dũng (2021), Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu trong hoạt động ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, http://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-xu-huong-tat-yeu-trong-hoat-dong-ngan-hang.htm;

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2021), Quyết định số 810/QĐ-NHNN, ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phê duyệt kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến  năm 2030;

4. Ngân hàng Quân đội MB (2021), Báo cáo “Ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam khi lấy khách hàng làm cốt lõi”, https://mbbank.com.vn/resources/files/Tin-MB/MB-voi-bao-chi/2021/BAO-CAO-NGANH/BC-THANG-6/mbb-quarter-jun2021.pdf

5. Nguyễn Mạnh Hùng (2020), Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Tham luận tại Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, (https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/chuyen-doi-so-quoc-gia-phat-trien-chinh-phu-so-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-650374);

6. Nguyễn Văn Thạo (2021),  Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số - một chủ trương mới, đột phá quan trọng trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, (http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/day-manh-chuyen-doi-so-phat-trien-kinh-te-so---mot-chu-truong-moi-dot-pha-quan-trong-trong-cac-van-kien-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang.html)

7. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 479/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 định hướng đến  năm 2030;

8. Thủ tướng Chính phủ (2020), Nghị định số: 43/2011/NĐ-CP, ngày 13/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;Tường Huy (2021), Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, (https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-quoc-gia-580776.html).

9. Tường Huy (2021), Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, (https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-quoc-gia-580776.html).

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2021

Theo: