Thừa Thiên Huế: Tăng cường quản lý kinh doanh thương mại điện tử

(Banker.vn) Tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác quản lý kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, qua đó chuyển cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ vi phạm.
Thừa Thiên Huế: Một người đàn ông tử vong khi đang hoà giải đất đai Thừa Thiên Huế: Kỳ diệu “Trái tim Hà Nội” chạy đua thời gian tiếp nối sự sống tại Huế Thừa Thiên Huế: Tạm giữ hình sự “nữ quái” tàng trữ ma tuý

Tăng quy mô, số vụ vi phạm

Theo Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế, từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện 260 vụ, xử lý 237 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (trong đó, số vụ vi phạm năm 2022 tăng 153,9% so với cùng kỳ năm 2021); khởi tố 11 vụ với 251 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 226 vụ, xử phạt hành chính hơn 2,5 tỷ đồng; thu nộp ngân sách hơn 8 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế: Tăng cường quản lý kinh doanh thương mại điện tử
Trưng bày để nhận biết hàng thật, hàng giả của các thiết bị, phụ tùng xe máy

Những tháng đầu năm 2023, các đối tượng thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội để buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, rượu, bia, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng thiết yếu…

Bên cạnh đó, lợi dụng hiểu biết hạn chế của một bộ phận người tiêu dùng các đối tượng chào bán các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa hoặc gia công, pha trộn, nhái, dán bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng hoặc trà trộn một phần hàng giả với hàng thật… nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của nhân dân.

Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cuối năm 2022, đơn vị đã mời làm việc 3 cá nhân có thu nhập từ hoạt động viết phần mềm, bán hàng online, youtube, quảng cáo trên facebook, xử lý truy thu thuế hơn 300 triệu đồng. Ngoài 3 cá nhân trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 20 doanh nghiệp có hoạt động sử dụng dịch vụ thương mại điện tử được cung cấp bởi các nhà thầu xuyên biên giới (như: Agoda, booking…) với số thuế đã kê khai và nộp gần 5 tỷ đồng.

“Hiện, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng hệ thống mạng xã hội, dữ liệu quản lý của cơ quan thuế để xác minh thông tin của những cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok, youtube… đưa vào quản lý thuế thường xuyên theo quy định”, Đại diện Lãnh đạo Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Ông Phan Hùng Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, về các hành vi vi phạm, chế tài xử lý… và tiến hành kiểm tra định kỳ 8 cơ sở sử dụng website thươngmại điện tử bán hàng trên địa bàn tỉnh.

“Qua kiểm tra, các cơ sở trên chưa có hành vi vi phạm về thương mại điện tử, tuy nhiên, nhiều vụ việc khác được phát hiện, xử lý về buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác đều có liên quan đến sử dụng, khai thác hình thức kinh doanh trên nền tảng số”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Hùng Sơn nhấn mạnh.

Đầu tư thiết bị, công tác quản lý

Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, bên cạnh tình hình kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn phức tạp, trên địa bàn tỉnh đang nổi lên tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử trên nền tảng số và các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi kinh doanh online, nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa.

Thừa Thiên Huế: Tăng cường quản lý kinh doanh thương mại điện tử
Lực lượng Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế kiểm tra của hàng kinh doanh thiết bị điện tử tại TP. Huế

Trước những diễn biến có chiều hướng phức tạp này, trong thời gian tới, ngoài những nỗ lực của các cấp, các ngành hữu quan, thì những quan tâm, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho Ban Chỉ đạo 389 các địa phương nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng để phục vụ tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử khi mà xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ như hiện nay là rất cần thiết”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Hải – Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam có những bước tăng tốc mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 và đã trở thành một trong những thị trường ythương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hải, song song với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử ở Việt Nam thì tình trạng hàng giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách…

“Tình hình trên có nhiều nguyên nhân như: công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh còn hạn chế. Ngoài ra, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế… cũng là những tồn tại cần khắc phục”, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết thêm.

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng năm 2021 đạt 13,5 – 13,7 tỷ USD; năm 2022, thị phần bán lẻ trực tuyến đạt trên 16 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 là trên 38 tỷ USD, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát… phát triển mạnh, nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương