Thừa Thiên Huế: Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại

(Banker.vn) Các cơ quan, lực lượng liên ngành tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện công tác đấu tranh phòng chống, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thừa Thiên Huế: Doanh thu du lịch dịp lễ đạt hơn 170 tỷ đồng Thừa Thiên Huế: Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc PC Thừa Thiên Huế: Ủng hộ kinh phí cho "Quán cơm 5.000"

Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế cho biết, Ban Chỉ đạo 389 Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch nhằm phối hợp trong công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Thừa Thiên Huế: Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại
Các lực lượng liên ngành Thừa Thiên Huế họp bàn phương án phối hợp thực hiện trong công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại (Ảnh: CT)

Thực hiện Kế hoạch, lực lượng Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi, bàn bạc xây dựng kế hoạch, biện pháp, phương án trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo địa bàn quản lý; chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo thống nhất, giữ gìn đoàn kết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong hoạt động; phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xác minh đối tượng vi phạm hành chính, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đón, dừng phương tiện vận tải trên tuyến lưu thông đường nhằm ngăn chặn phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng hóa vi phạm khác; phối hợp trong công tác rà soát, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin đối tượng trong quá trình xử lý vụ việc đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với Cục Thuế cung cấp thông tin, giám sát việc triển khai thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng cũng như việc cung cấp dữ liệu hoá đơn điện tử của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp trong thu thập cơ sở dữ liệu đối với các cơ sở có hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn nhằm phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra xử lý khi phát hiện vi phạm; phối hợp trong xử lý hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực thuế...

Đồng thời, phối hợp với Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng… kiểm tra, tuyên truyền không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, cung cấp đường dây nóng để người dân tham gia tố giác hoặc cung cấp thông tin vi phạm pháp luật, không tiếp tay bao che đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng gian lận và hàng giả…

Thừa Thiên Huế: Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại
Phối hợp các lực lượng bắt giữ xe chở gỗ lậu tại phường Thuận An, TP. Huế (Ảnh: CT)

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục quản lý thị trường Thừa Thiên Huế khẳng định: Với sự quyết tâm và thực hiện các giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng chức năng như hiện nay sẽ từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ góp phần ổn định môi trường kinh doanh, nhất là quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương, mục đích của sự phối hợp là nắm vững tình hình tại các địa bàn, tuyến, lĩnh vực được phân công phụ trách, đặc biệt là các địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng; nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bảo kê trong các lực lượng chức năng chống buôn lậu… Đồng thời, kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục