Thừa nhận thị trường quá khắc nghiệt, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tính vay 410 tỷ đồng trái phiếu nhằm cơ cấu nợ

(Banker.vn) VDSC dự trù lãi suất cố định cho lô trái phiếu là 10,15%/năm, thấp hơn đáng kể so với lãi suất cho vay bình quân trên thị trường. Thời gian phát hành dự kiến từ ngày 3/3.
Thừa nhận thị trường quá khắc nghiệt, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tính vay 410 tỷ đồng trái phiếu nhằm cơ cấu nợ

Trong báo cáo giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình thua lỗ trong năm 2022, VDSC phải thừa nhận là do thị trường quá khắc nghiệt.

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HOSE: VDS) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 năm 2023.

Theo đó, VDSC dự tính chào bán 4.100 trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 100 triệu đồng/đơn vị, tương ứng tổng giá trị 410 tỷ đồng. Khoản vay của VDSC chỉ có kỳ hạn 1 năm, và là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

VDSC dự trù lãi suất cố định cho lô trái phiếu là 10,15%/năm, thấp hơn đáng kể so với lãi suất cho vay bình quân trên thị trường. Thời gian phát hành dự kiến từ ngày 3/3.

Về mục đích sử dụng vốn, VDSC cho biết sẽ dùng toàn bộ 410 tỷ đồng này (nếu đợt phát hành đạt kỳ vọng) để cơ cấu lại nợ, bao gồm thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng. Trong trường hợp chưa đến hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng, số tiền thu từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để gửi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, VDSC cho biết tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và khả năng về vốn, doanh nghiệp có thể thực hiện mua lại một phần trái phiếu đã phát hành trước khi đáo hạn theo yêu cầu của trái chủ. Cụ thể, VDSC có thể mua lại trước hạn tối đa là 50% số lượng trái phiếu đã phát hành sau 6 tháng kể từ ngày phát hành với mức lãi suất mua lại không quá 9%/năm.

Năm vừa qua, trước sự thoái trào của thị trường chứng khoán, VDSC và phần lớn các công ty chứng khoán khác đều ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sâu so với cùng kỳ, trái ngược với không khí "thăng hoa" của năm 2021.

Trong báo cáo giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình thua lỗ quý IV/2022, VDSC phải thừa nhận lỗ trước thuế 26,6 tỷ đồng là do thị trường quá khắc nghiệt. Kết thúc năm 2022, VN-Index đóng cửa ở mức 1.007,09 điểm, giảm 32,78% so với cuối năm 2021, giá trị thanh khoản giảm mạnh đã ảnh hưởng tới hoạt động tự doanh và môi giới của VDSC.

Kết quả kinh doanh của VDSC theo đó giảm sút mạnh, cả năm 2022 doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 820 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021. Các chi phí tăng cao, chủ yếu do ghi nhận từ lỗ bán và chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính, khiến VDSC chịu lỗ trước thuế hơn 152 tỷ đồng (năm 2021 có lãi 534 tỷ đồng).

Thời điểm lập báo cáo, danh mục của VDSC đang ghi nhận lỗ ở các cổ phiếu DBC, TCB, CTG, ACB, hầu hết đều giảm tới 30-50% so với giá trị đầu tư ban đầu.

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán