Thủ tướng sẽ quyết định những giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước công dân

(Banker.vn) Sáng 25/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Đổi tên thẻ căn cước, không phát sinh thủ tục, chi phí Vì sao nên đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước?

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước và cho rằng: Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Thủ tướng sẽ quyết định những giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước công dân
Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Căn cước (Ảnh: VPQH)

Liên quan đến một số ý kiến đề nghị chọn lọc các loại thông tin cần thiết để tích hợp vào thẻ căn cước bảo đảm thực hiện được ngay, không giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết; quy định cấp quyền khai thác thông tin phù hợp với lĩnh vực, yêu cầu quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo mật thông tin được khai thác, sử dụng; bổ sung quy định về hình thức, lộ trình tích hợp thông tin; trình tự, thủ tục thu thập, tích hợp thông tin.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay, dự thảo Luật chỉ quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên và để thuận tiện cho người dân trong các giao dịch hành chính, dân sự.

"Đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, phù hợp với việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện chuyển đổi số ở nước ta. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp."- ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Thủ tướng sẽ quyết định những giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước công dân
Ông Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước tại Quốc hội (Ảnh: VPQH)

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý các quy định tại Điều này để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả; bổ sung Điểm c và Điểm đ Khoản 5 quy định phân loại đối tượng được khai thác đối với thông tin được mã hóa trong thẻ căn cước.

Ngoài ra liên quan đến qui định về "cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ” để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước trong việc khóa, mở khóa căn cước điện tử tại Điểm e Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 quy định về khóa, mở khóa căn cước điện tử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đóng góp và xin được lược bỏ Điểm e Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 quy định về khóa, mở khóa căn cước điện tử; chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo Luật; đồng thời thiết kế bổ sung 01 khoản để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước trong việc khóa, mở khóa căn cước điện tử của công dân.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương