Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công đường Vành đai 4

(Banker.vn) Sáng 25/6, dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư gần 86.000 tỉ đồng, đi qua địa phận Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh.
Ngày 25/6, Hà Nội khởi công đồng loạt 4 điểm thuộc dự án đường Vành đai 4 Hà Nội: Nỗ lực đảm bảo khởi công đường Vành đai 4 đồng bộ, đúng kế hoạch

Hà Nội khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đồng loạt tại 4 vị trí gồm: Km28+900, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Quốc lộ 2 giao đường Vành đai 4 xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Đường trục phía Nam, giao đường Vành đai 4 xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội; Km190+270 đường Quốc lộ 1A giao với Vành đai 4, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu đến tham dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu đến tham dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4.

Tham dự lễ khởi công tại điểm cầu Hoài Đức Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn... cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư.

Dự án tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vùng Thủ đô.

Lần đầu tiên, một dự án trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ của Trung ương, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã nhất trí giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung cho cả 3 tỉnh, thành phố.

Việc khởi công dự án là bước tiến mới của chặng đường đưa dự án tiến dần về đích với quyết tâm, hợp tác và cam kết về tiến độ của 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên để thực hiện mục tiêu kết nối mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.

Các công nhân tại lễ khởi công dự án. Ảnh: Hải Nguyễn
Các công nhân tại lễ khởi công dự án. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, đến nay, các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến.

Các đơn vị chức năng đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án.

Các quận, huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho Ban Quản lý dự án. Từ ngày 18.6, nhà thầu đã tiếp nhận và tổ chức triển khai tạo mặt bằng khởi công công trình.

Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo 7 quận, huyện có dự án đường Vành đai 4 đi qua, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đang vượt kế hoạch thành phố giao.

Các quận, huyện đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, bao gồm vị trí khởi công để nhà thầu vào tổ chức triển khai tạo mặt bằng bãi khởi công công trình từ ngày 18.6.2023, dự kiến xong trước ngày 20.6.2023, đủ điều kiện khởi công ngày 25.6.2023.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2 km, còn lại là 9,7 km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và đoạn đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng.

Theo Lao động

Theo: Báo Công Thương