Thủ tướng: Hỗ trợ thực chất để xuất khẩu thủy sản, lâm sản đạt 27,5 tỷ USD

(Banker.vn) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời để xuất khẩu thủy sản, lâm sản đạt 27,5 tỷ USD năm 2023.
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản 2 kiến nghị được doanh nghiệp ngành gỗ gửi lên Thủ tướng Doanh nghiệp thủy sản đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp

Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD và thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD và thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: còn nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, như Mỹ, EU, Nhật Bản…; các nhà nhập khẩu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng…; việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao.

Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Theo dõi sát tình hình phát triển của thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản; diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đẩy mạnh đàm phán, tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường ngách. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và bền vững.

Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT;….

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung, phát triển các dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, khâu chọn, tạo giống thủy sản; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ, lâm sản để tổ chức thực hiện đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, phù hợp với quốc tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai phù hợp tình hình, thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn nước thải phù hợp với ngành thủy sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn; tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gỗ và lâm sản.

Tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp không khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), phát triển thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường; không khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tạo được nguồn gỗ có đường kính lớn phục vụ cho sản xuất,…

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ….

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục