Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Hoàn thiện chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại

(Banker.vn) Tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành... về chống buôn lậu, gian lận thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đề xuất nhiều giải pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương hiệu quốc gia là tài sản chiến lược trong tiến trình hội nhập Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp, làm việc với Chủ tịch nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria - Việt Nam Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm để chống hàng giả

Xử lý khoảng 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử

Báo cáo tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, diễn ra sáng 14/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian vừa qua, tiếp tục có tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng diễn biến phức tạp.

Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu,
Thủ tướng yêu cầu đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các hành vi vi phạm không chỉ bị phát hiện ở các kho, điểm tập kết, địa điểm kinh doanh mà còn phổ biến tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới gây khó khăn cho công tác nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình, kế hoạch, trong đó có các văn bản chỉ đạo liên quan đến dịp Tết Nguyên đán, đồng thời Bộ Công Thương cũng đã có công điện nhằm tăng cường công tác kiểm tra giám sát thị trường.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

“Từ khi triển khai đề án đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 tỷ, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ”, Thứ trưởng thông tin.

Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/2/2025, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết biên bản bàn giao lực lượng quản lý thị trường cấp tỉnh chuyển về cho địa phương quản lý. Tính đến 9/5/2025, có 61/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố tiếp tục duy trì để triển khai các biện pháp nghiệp vụ chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Đến nay, các đơn vị đã đẩy mạnh triển khai, trong đó có cả việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời triển khai theo hướng tập trung các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm, trong đó có thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang, điện thoại di động, xăng dầu, vật tư nông nghiệp,…

Về khó khăn, tồn tại, Thứ trưởng Bộ Công Thương thống nhất với báo cáo của Ban chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), đồng thời, bổ sung thêm vấn đề ý thức của người dân trong thương mại điện tử còn hạn chế, nhu cầu giao dịch cao, tăng trưởng thương mại điện tử lớn, nên bản thân một số người dân, doanh nghiệp chưa chủ động tránh được hàng giả này.

Vấn đề giám sát, truy xuất giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc hàng hóa kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử còn nhiều khó khăn. Việc này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Một số cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích nên bất chấp sức khỏe của người dân đã sản xuất kinh doanh hàng giả.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số. Đồng thời, rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại; sửa đổi Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Bên cạnh đó, xây dựng chuyên đề xử lý triệt để các hành vi vi phạm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh việc triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Bộ sẽ xây dựng Đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2025.

Phối hợp với các địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương. Tăng cường công tác hậu kiểm, trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ dữ liệu để có thể phòng ngừa, xử lý sớm các vi phạm; đánh giá rủi ro; tập trung triển khai rà soát, bám sát địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhất là các đối tượng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng kiến nghị, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, bổ sung quy định, chế tài xử lý vi phạm. Đồng thời, điều chỉnh, sửa đổi khái niệm hàng giả hiện đang được quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để làm rõ nội hàm, yếu tố xác định thế nào là hàng giả.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, điều phối các Bộ, ngành, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, đặc biệt là sớm có cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử. Sửa đổi pháp lý, có thể lồng ghép các hoạt động mang tính chuyên ngành, cũng như phân định trách nhiệm cụ thể giữa các bên.

4 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hơn 6.500 vụ, phát hiện, xử lý hơn 5.800 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 93 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 43 vụ có dấu hiệu hình sự. Riêng với mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu đã phát hiện 1.400 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 11 tỷ đồng.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục