Thu ngân sách tăng 16,3%, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19

(Banker.vn) Theo Bộ Tài chính, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 16,3%, nhiều chính sách tài khoản được áp dụng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thu ngân sách đạt 58,2% dự toán

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cả nước cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 1,81%), lạm phát ở mức thấp, chỉ số  tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới, lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trong bối cảnh nêu trên, ngành tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Nhờ đó, thực hiện thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 58,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Kết quả thu ngân sách 6 tháng được đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Bộ Tài chính nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu ngân sách trong các tháng tiếp theo. 

Về chi ngân sách, 6 tháng đầu năm, số chi ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn đã giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước, 6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, chủ yếu là do các bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 6/2021, Bộ Tài chính phối hợp các cơ quan trung ương và địa phương để rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA năm 2021. Đồng thời chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục giải ngân, tạo thuận lợi khuyến khích các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành, gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc Nhà nước.

Những chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh COVID-19

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các giải pháp chính sách tài khóa để phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, ban hành các văn bản miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai kịp thời các chính sách cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021.

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ngân sách ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 với số chi 4,65 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chi 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19 (mua vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch), chi 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc-xin tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đến nay, Quỹ vắc-xin đã huy động được khoảng 8.000 tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19 khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng chi đầu phát triển và giảm bội chi ngân sách năm 2021. Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ