(Banker.vn) “Kính coong....”. Tiếng chuông cửa vang lên cắt ngang dòng cảm xúc. Thằng con tôi cũng vừa mới đi làm về. Mấy đứa nhỏ hớn hở chạy đến vui mừng. Tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng. Bao nhiêu năm cống hiến để đến giờ nhận được quả ngọt. Tôi sẽ dạy bảo cho con cháu mình như cách tôi đã từng một thời thanh xuân tại ngôi nhà Vietcombank Tân Sơn Nhất.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Ngọc Mai Vi, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).

THƯ GI CÔ GÁI NGÂN HÀNG

TP.HCM, ngày 10 tháng 12 năm 2050

Hôm nay thời tiết Sài Gòn se lạnh, từng cơn gió khẽ lướt qua mang hơi hướng của những ngày giáp Tết. Chắc có lẽ ở độ tuổi trung niên, tôi dễ bị xúc động bởi những thứ xung quanh mình, một chút gì đó nhớ quê, hoài niệm cho những ngày đã cũ…

Tôi ngồi trên bộ ghế sofa vừa trông hai đứa cháu nội cho thằng con đi làm, cùng nhìn ngắm dòng người lại qua, tấp nập, hối hả, tựa như thời gian trôi qua thấm thoát đã ba mươi năm. Đúng là thời gian không chờ đợi một ai, nó sẽ cuốn đi mang theo tất cả của một thời tuổi trẻ. 

Sống và làm việc tại đất Sài Gòn này tính ra cũng mấy mươi năm rồi. Có những thứ gắn liền với mình như máu mủ, ruột thịt, như cái nghề ngân hàng cũng vậy, âu đó cũng là cái duyên.....

Vừa mới nghỉ hưu được mấy năm. Hiện tại tôi hài lòng với cuộc sống, vui vầy bên con cháu, các con thành đạt. Tự dưng khoé mắt cay cay, chắc có lẽ trong không khí sắp bước sang năm mới, già thêm một tuổi, mái tóc lại điểm thêm vài sợi bạc, những ký ức xưa chợt ùa về. Sẵn dịp đây, tôi sẽ kể cho mấy đứa cháu nghe về… tôi của 30 năm trước. Cô gái Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tân Sơn Nhất, tràn đầy nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ. 

Thời còn học đại học, tôi muốn được làm tại một ngân hàng nào đó theo đúng chuyên ngành. Trải qua quá trình đi làm tại ngân hàng, tôi muốn được đặt chân vào Vietcombank. Và Vietcombank Tân Sơn Nhất là sự may mắn khi tôi được lựa chọn. 

Ở tuổi 27, hành trang tôi mang theo là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, những kinh nghiệm tích luỹ mấy năm qua cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các anh chị đồng nghiệp. Mọi người dần trở nên thân thuộc như người trong nhà. Người ta thường nói Nhà là nơi để về... và tôi đã tìm thấy ngôi nhà thứ hai của mình mang tên Vietcombank Tân Sơn Nhất.

Một con tàu lớn thì cần người thuyền trưởng giỏi, chèo lái vượt mọi con sóng để đạt đến thành công. Tôi may mắn khi được là thuyền viên trên một con tàu như thế… Vietcombank Tân Sơn nhất khi tôi mới làm làm chỉ mới thành lập được vài năm nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của hơn 80 con người, làm việc ngày đêm không mệt mỏi, mang đến cho khách hàng cảm giác hài lòng nhất, có đôi lúc cũng thoáng chạnh lòng, khóc có, cười có nhưng chung quy lại tất cả mọi người nơi đây đều chung một mục tiêu, vì một Vietcombank Tân Sơn Nhất phát triển, vững mạnh.

Mỗi một ngày trôi qua tôi lại có thêm kinh nghiệm giúp tôi trưởng thành hơn. Nhìn bề ngoài tôi là người mạnh mẽ, gai góc, mang dáng vóc của người con quê hương Đồng Khởi nhưng thật sự tôi nhận ra bản thân là sự kết hợp của một đứa trẻ không thèm lớn và một bà cô quá độ tuổi của mình. 

“Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời

Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời

Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn

Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi”

Đây là những câu trong bài hát mà tôi yêu thích. Không có điều gì là dễ dàng cả nếu chúng ta không nhiệt huyết, trách nhiệm với những gì chúng ta đang làm. Với quan niệm đó mà tôi luôn khát khao cống hiến sức mình, để một ngày nào đó khi nhìn lại tôi không phải hối tiếc vì điều gì. Chính vì một thời tuổi trẻ sống và làm việc hết mình mà giờ đây tôi có một cái gì đó tự hào để kể cho con cháu mình nghe. 

“Kính coong....”. Tiếng chuông cửa vang lên cắt ngang dòng cảm xúc. Thằng con tôi cũng vừa mới đi làm về. Mấy đứa nhỏ hớn hở chạy đến vui mừng. Tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng. Bao nhiêu năm cống hiến để đến giờ nhận được quả ngọt. Tôi sẽ dạy bảo cho con cháu mình như cách tôi đã từng một thời thanh xuân tại ngôi nhà Vietcombank Tân Sơn Nhất.

Nhớ!....

PHẠM NGỌC MAI VI

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục