Thông tư 68 có thực sự là chìa khóa để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng?

(Banker.vn) Thông tư 68 đang được kỳ vọng là yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên Thị trường mới nổi Thứ cấp. Nhưng liệu đây có thực sự là "chìa khóa" để mở ra cánh cửa cho dòng vốn ngoại đổ vào mạnh mẽ, hay vẫn còn những thách thức phía trước. Các công ty chứng khoán nhận định gì về triển vọng này và thời điểm nào để thị trường được nâng hạng.

Chứng khoán ACBS nhận định rằng, Thông tư 68 với việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện then chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên Thị trường mới nổi Thứ cấp. Tuy nhiên, ACBS đánh giá còn quá sớm để kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng trong kỳ công bố kết quả của FTSE Russell vào ngày 8/10/2024. Các công ty chứng khoán cần thêm thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến để đưa ra quyết định nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ACBS, kỳ vọng lớn nhất là vào kỳ đánh giá tháng 3/2025, khi Việt Nam có thể chính thức được thêm vào danh sách Thị trường mới nổi Thứ cấp của FTSE. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục Thị trường mới nổi Thứ Cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động”, nhóm phân tích Chứng khoán ACBS nêu rõ.

Theo đánh giá của ACBS, 8 cổ phiếu có khả năng cao được thêm vào danh mục FTSE bao gồm VCB, GAS, VHM, VIC, HPG, VNM, MSN, và SSI. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng có thể được cân nhắc nếu đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại và thanh khoản giao dịch trong giai đoạn cơ cấu danh mục. Các công ty chứng khoán như SSI, HCM, và VCI cũng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn ngoại, tuy nhiên, lợi nhuận từ phí giao dịch sẽ không quá lớn so với quy mô tổng lợi nhuận hiện tại của các công ty này.

Việc nâng hạng thị trường không chỉ tạo ra động lực lớn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn giúp cải thiện vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế. Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu Việt Nam được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD dòng vốn mới đến năm 2030.

Tuy nhiên, việc nâng hạng không phải là điều dễ dàng, khi Việt Nam vẫn còn một số tiêu chí cần cải thiện để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, những rào cản liên quan đến giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, phát triển thị trường ngoại hối, trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) và việc công bố thông tin bằng tiếng Anh vẫn cần thời gian để hoàn thiện.

Thông tư 68 có thực sự là chìa khóa để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng?
Nguồn: ACBS

Việc áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình kể từ 2025-2028 theo Thông tư 68 là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay thị trường ngoại hối còn nhiều rào cản trước mắt. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán cũng là một yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh dòng vốn ngoại tăng lên. Các công ty chứng khoán sẽ cần nâng cao hệ thống quản trị rủi ro để đáp ứng yêu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài và tránh rủi ro tài chính phát sinh.

Báo cáo từ Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh trên 4 yếu tố chính để thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài: phí giao dịch, tỷ lệ cấp vốn trước, tổng giá trị vốn ứng trước và chất lượng dịch vụ. Trong đó, yếu tố về phí giao dịch và tổng giá trị vốn ứng trước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng.

Đối với yếu tố phí giao dịch, mặc dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch.

Đối với yếu tố ỷ lệ cấp vốn trước, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân của Yuanta Việt Nam, cho biết, Thông tư 68 sẽ giúp tăng tính thanh khoản và tính linh hoạt cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ đưa Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn của FTSE và MSCI, hai tổ chức quốc tế có vai trò quyết định trong việc nâng hạng thị trường.

Nhìn chung, giới chuyên gia đánh giá rằng, khi các rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tính minh bạch thông tin được tháo gỡ, dòng vốn ngoại sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo áp lực lớn lên thị trường. Tuy nhiên, khi Việt Nam tiến gần hơn đến việc nâng hạng, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại đảo chiều, giúp cải thiện thanh khoản và thúc đẩy sự phát triển dài hạn của thị trường.

Chứng khoán chờ cú hích từ Thông tư 68

Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, tạo động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam bằng cách gỡ bỏ rào ...

Thị trường chứng khoán Việt sẽ đón nhận dòng vốn "khủng" từ các quỹ ETF

Quyết định hạ lãi suất của Fed cùng Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ tạo động lực tích cực cho ...

Thông tư 68/2024 mở ra cơ hội cho hàng triệu nhà đầu tư nước ngoài

Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính chính thức gỡ vướng cho nhà đầu tư nước ngoài, cho phép đặt lệnh mua cổ phiếu không ...

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán