Thông tư 03 có nhiều tác động tích cực

(Banker.vn) Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các NHTM; còn với phía NHTM, việc sửa đổi này sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn.

Trong báo cáo ngành Ngân hàng mang tên “Đánh giá tác động của Thông tư 03 đến các ngân hàng niêm yết” vừa công bố, VNDIRECT Research đánh giá việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các NHTM.

“Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Còn với phía NHTM, việc sửa đổi này sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn”, VNDRIECT nhấn mạnh.

Lý giải cho nhận định trên, các chuyên gia của VNDIRECT đưa ra 2 lý do, cụ thể:

Thứ nhất, VNDIRECT cho rằng, danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu được mở rộng. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng là không đáng kể.

Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều NHTM đã dừng mở rộng danh mục nợ được tái cơ cấu do những lo ngại về quy định thời gian của Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) trước đó (chỉ cho tái cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng khi Thủ tướng công bố hết dịch).

Dẫn chứng số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, VNDIRECT cho biết, đến giữa tháng 11/2020 các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng trên 341.800 tỷ đồng dư nợ, không tăng nhiều so với con số 321.000 tỷ đồng đã thống kê vào giữa tháng 9/2020.

Thứ hai, VNDIRECT cho rằng, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021.

Thông tư 01 hiện mới quy định các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện phân loại và trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu, có nghĩa các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện trích lập như thông thường khi các khoản nợ tái cơ cấu hết thời hạn. Điều này tạo nên áp lực chi phí dự phòng cực lớn cho các NHTM có số dư nợ tái cơ cấu lớn vào thời điểm các khoản nợ hết thời hạn được gia hạn trả nợ lãi (cụ thể là trong năm 2021 theo lộ trình).

Tuy nhiên, với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, VNDIRECT kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các NHTM có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ