Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải về việc chưa thể bỏ “room” tín dụng

(Banker.vn) Về đề xuất bỏ room tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng nền kinh tế hiện phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng, nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì tín dụng có thể sẽ tăng rất mạnh, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng…

Chiều 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vất tại Quốc hội liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Quảng Trị, đặt vấn đề phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) có phát sinh tình trạng xin – cho hay không và khi nào có thể bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải về việc chưa thể bỏ “room” tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời câu hỏi chất vấn trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong thời gian vừa qua NHNN đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về việc điều hành tăng trưởng tín dụng tiến tới xóa bỏ chỉ tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, theo phân tích đánh giá của các tổ chức với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng, Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP hiện là 120%, đang ở mức cảnh báo của các tổ chức quốc tế.

Theo Thống đốc, nhu cầu vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, trong đó còn một nguồn vốn dài hạn là ở hệ thống ngân hàng nên nếu không áp dụng chỉ tiêu, tín dụng sẽ tăng rất mạnh. Các năm trước đây, tín dụng tăng trưởng rất mạnh, mỗi năm tăng tới 30%, cá biệt có năm 2007 tăng tới 53,8%.

"Điều này có thể gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.

Ngoài ra, Thống đốc cũng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, phát triển phân khúc khác của thị trường vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Do đó, các tổ chức tín dụng chỉ phục vụ nhu cầu vốn ngắn hạn và vốn lưu động cho doanh nghiệp thì khi đó bỏ chỉ tiêu này sẽ rất thuận lợi.

Thống đốc cũng cho biết, để tránh việc tuỳ ý phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các tổ chức tín dụng, hàng năm NHNN đã chỉ tiêu định hướng. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những nguyên tắc chung chứ không tuỳ ý phâ bổ cho từng tổ chức tín dụng.Nguyên tắc này căn cứ trên xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng và các tiêu chí cụ thể khác tại Nghị quyết 52", người đứng đầu NHNN nói.

Ngoài ra, NHNN cũng cân nhắc tổ chức tín dụng có mặt bằng lãi suất giảm và tham gia tích cực vào công tác tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng sẽ có những điểm cộng và điểm trừ với những ngân hàng tín dụng tập trung hay tín dụng có tiềm ẩn rủi ro.

Tại Nghị quyết 62 của Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu việc bỏ room tín dụng nhưng hiện chưa phù hợp, khi nào có đầy đủ sự tham gia của các nguồn vốn trung và dài hạn thì NHNN sẽ tiến tới bỏ việc phân bổ chỉ tiêu này.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về việc tăng trưởng tín dụng năm nay đạt thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút, người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tăng thấp.

Về nguồn cung tín dụng, NHNN đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước đó, phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, trong Nghị quyết Quốc hội năm 2022 yêu cầu phải nghiên cứu việc bỏ room tín dụng nhưng NHNN hiện cho biết vẫn chưa bỏ chỉ tiêu này.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cũng bày tỏ lo ngại về việc không bỏ room tín dụng sẽ tạo cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực khác.

Đối với vấn đề xử lý ngân hàng yếu kém, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, cho rằng vấn đề này còn tiến hành chậm trễ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ nên năng lực cán bộ trong lĩnh vực này còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan.

Về câu hỏi liên quan đến tín dụng cho các dự án BOT của đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn Hưng Yên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nhu cầu vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài trong khi tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn. Xem xét trên cơ sở tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn mà cho vay trung và dài hạn ở quy mô vượt quá khả năng kiểm soát, có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tính đến 30/9 đã có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nợ xấu chiếm 3,83%, trong đó, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%, đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 (nợ xấu). Nguyên nhân chủ yếu là nguồn thu các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài, tránh tập trung rủi ro vào hệ thống ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Khó có thể xử lý triệt để sở hữu chéo ngân hàng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, khó có thể xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo ngân hàng ...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Việc xử lý các ngân hàng yếu kém khó khăn, cần thời gian

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông tin về việc xử lý ngân hàng yếu kém tại phiên họp của Ủy ban Thường ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán