Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì khi Đại biểu lo ngân hàng “giấu” nợ xấu?

(Banker.vn) Trả lời Đại biểu Quốc hội về việc lo ngại các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, che giấu nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: "Đối với các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu sai, không đúng, qua thanh tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm".

Chiều ngày 8/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vấn đề nợ xấu được đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Trả lời Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về việc các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, che giấu nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết vai trò Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định pháp lý đầy đủ về phân loại các nhóm nợ, khi nào thì chuyển sang nợ xấu.

"Đối với các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu sai, không đúng, qua thanh tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm", Thống đốc khẳng định.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết đã triển khai hệ thống thông tin tín dụng, đây là công cụ tốt để các tổ chức tín dụng kiểm tra khách hàng xem có các khoản nợ ở ngân hàng khác như thế nào, từ đó đánh giá nợ xấu.

Tại phiên chất vấn chiều 8/6, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Đại biểu Thành phố Hà Nội đặt câu hỏi về việc nếu kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 thì có xử lý được dứt điểm nợ xấu và giải quyết được triệt để các vướng mắc hạn chế đang diễn ra hay không.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Nghị quyết 42 cho phép người cho vay thu giữ tài sản nảo đảm, bán nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị. Đây là điểm quan trọng giúp cho xử lý nợ xấu.

Bà cho biết thêm, trong 541.000 tỷ đồng nợ xấu thì có tới 380.000 tỷ đồng là tự xử lý được. Mặc dù còn nhiều vướng mắc, sự kéo dài Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện tiếp tục xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý đây chỉ là những khoản nợ theo phạm vi Nghị quyết 42. Trong thực tế, có những khoản vay sau đó phát sinh nợ xấu, nhất là khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng đại dịch, nhiều khoản vay được cơ cấu thì có thể dẫn tới nợ xấu gia tăng.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng và xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm quy định về cho vay, cho vay là phải đảm bảo đủ điều kiện, có phần trich lập dự phòng rủi ro phòng trường hợp nợ xấu phát sinh.

Trong thời gian vừa qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì hệ thống ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm để có giải pháp xử lý nợ xấu.

Về vấn đề kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện tại áp lực lạm phát tăng cao. Qua 5 tháng đầu năm, lạm phát trong nước ở mức 2,25% chủ yếu do tác động của yếu tố giá, chưa tính đến tác động của các gói hỗ trợ kinh tế, tín dụng tăng khá cao.

Vì vậy trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải kết hợp các công cụ và chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hiệu quả, theo dõi sát diễn biến vĩ mô và các gói hỗ trợ để đưa ra các giải pháp phù hợp, kết hợp với chính sách tài khóa…

Hoàng Hà

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán