Thời tiết bất lợi, nhiều nông sản mất mùa

(Banker.vn) Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nhiều nông sản năm nay mất mùa, dự báo giá một số sản phẩm như vải, nhãn, xoài... năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước.
Dự báo thời tiết Hà Nội hôm nay 3/5/2024: Hà Nội giảm nhiệt, mưa rào, khả năng xảy ra lốc, sét Dự báo thời tiết biển hôm nay 3/5/2024: Vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông, khả năng xảy ra lốc xoáy

Thời tiết diễn biến bất thường, nhiều hình thái cực đoan như sương muối, các đợt rét đậm, rét hại hay nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số loại cây trồng. Chưa có năm nào người trồng vải ở xã Quý Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chứng kiến vải mất mùa như năm nay. Cả vườn vải đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch chỉ thấy lá, nhiều vườn vải không có quả để ăn. Năm 2023, sản lượng vải của huyện Lục Ngạn đạt 128.000 tấn, năm nay dự báo sẽ thấp hơn nhiều.

Vải chính vụ mất mùa

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về tình trạng vườn vải hiện tại, anh Hứa Văn Huy - người chuyên chăm sóc cây vải ở khu Nhất Thành, xã Quý Thành, huyện Lục Ngạn cho biết: “Chưa có năm nào vải mất mùa như năm nay, cả vườn vải chính vụ chỉ được có vài quả. Hồi đầu năm, thời điểm vải đang ra hoa được khoảng 3cm thì có sương muối nên hoa vải bị cháy hỏng hết. Vải U hồng và vải Thanh Hà ra hoa sớm trước tết thì còn được chứ vải chính vụ thì mất hết”, anh Huy nói.

Vải mất mùa dẫn đến sản lượng thấp, nếu như năm 2023 tỉnh Bắc Giang đạt 215.000 tấn thì năm nay ước tính chỉ đạt trên dưới 100 tấn. Giá vải năm nay dự đoán sẽ tăng cao hơn nhiều so với năm trước. Năm 2023, giá vải từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thì năm nay dự đoán giá từ 30.000 đồng/kg trở lên.

Thời tiết bất lợi, nhiều nông sản mất mùa
Vải chính vụ Bắc Giang năm nay mất mùa

Không chỉ có vùng vải ở Bắc Giang chịu ảnh hưởng của thời tiết, vùng trồng vải ở huyện Thanh Hà, Hải Dương năm nay sản lượng cũng giảm đáng kể.

Theo báo cáo của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện Thanh Hà có gần 3.300ha vải, trong đó vải sớm khoảng 1.700ha; vải chính vụ hơn 1.500ha. Sản lượng vải chín sớm năm nay ước đạt 70% - 80% so với năm ngoái, vải chính vụ sản lượng rất thấp, chỉ đạt 30% - 35%. Thời tiết bất lợi, năm nay hoa vải ở Thanh Hà ra rất ít, nhiều vườn hoa xen lẫn lộc, lá nên lượng quả giảm đi trông thấy.

Anh Quách Đình Trọng - hộ trồng vải ở xóm 3, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà cho biết: Vải thiều năm nay mất mùa, cả vườn nhà anh sản lượng quả chỉ được 10 - 15%. Do thời tiết thay đổi vườn vải ra hoa ít, có những cây còn không ra hoa. Anh Trọng dự đoán vải thiều ở Thanh Hà năm nay giá có khi lên đến 50.000 đồng – 60.000 đồng/kg.

Sản lượng nhãn Sông Mã giảm 40%

Thời tiết cực đoan cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông sản của bà con trên địa bàn tỉnh Sơn La. Là tỉnh có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như nhãn, xoài, mận... tỉnh Sơn La năm nay cũng ghi nhận tình trạng mất mùa trên diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nặng nề cho hoa mầu. Mưa đá hồi tháng 3 làm rụng hàng loạt trái mận non, một diện tích lớn rau mầu ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ bị dập nát. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy sản lượng mận của huyện Mộc Châu năm nay đã giảm đi một nửa.

Thời tiết bất lợi, nhiều nông sản mất mùa
Mận rụng kín gốc cây do mưa đá

Thời tiết diễn biến bất thường, những đợt rét hại cùng giông lốc, gió Lào gây ảnh hưởng đến việc ra hoa, thụ phấn và đậu quả cho cây. Nhãn là cây trồng chủ đạo của huyện Sông Mã, sản lượng năm 2023 đạt 75.000 tấn nhưng năm nay dự kiến chỉ đạt 60% so với tổng sản lượng nhãn năm 2023. Còn ở huyện Mai Sơn nhãn gần như mất trắng, các vườn nhãn đều trong tình trạng cành lá xum xuê, lác đác vài cây có quả nhưng cũng rất ít.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết: Do điều kiện thời tiết cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 có những diễn biến bất lợi so với trung bình nhiều năm, nền nhiệt độ mùa đông ấm hơn, lượng mưa thấp, nắng nóng, khô hạn, trời âm u kéo dài, không có các đợt lạnh sâu, không thuận lợi cho cây nhãn phân hóa hoa, ra hoa ảnh hưởng đến sản lượng.

Để ứng phó với tình hình thời tiết, giảm thiểu tác hại của thời tiết đến cây trồng, ông Hải cũng cho biết: Trong thời gian tới, UBND huyện Sông Mã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai các hoạt động sản xuất, trồng trọt và thực hiện tốt các kế hoạch của tỉnh, huyện về phòng chống thiên tai, hạn hán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn năm 2024. Theo dõi sát tình hình và diễn biến thời tiết, chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó. Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, dùng các máy bơm, ống dẫn nước để tưới cho các diện tích bị khô hạn; đào hố tích trữ nước ngay trên nương để tưới cho cây trồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 7/2024, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ nắng nóng có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất của người dân.

Kim Xuyến

Theo: Báo Công Thương