Thiếu thuốc, vật tư y tế do cơ chế mua sắm, đấu thầu và tâm lý sợ sai của cán bộ

(Banker.vn) Giải trình tại phiên thảo luận sáng nay 1/11 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng thiếu thuốc có nguyên nhân của cơ chế mua sắm đấu thầu, sợ sai của cán bộ.
Đề nghị khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc trong khám chữa bệnh Bộ Y tế nói gì về thông tin thiếu thuốc do chậm đấu thầu và đàm phán giá?

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Một trong nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm đó là tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra tại nhiều bệnh biện trên cả nước.

Phát biểu tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - đoàn Bình Định cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

Thiếu thuốc, vật tư y tế do cơ chế mua sắm, đấu thầu và tâm lý sợ sai của cán bộ
Sáng 1/11 các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (Ảnh: Quochoi.vn)

Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng kém chất lượng vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn kể từ sau đại dịch Covid-19.

Nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn nhiều bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là cũng có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị địa phương”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, công tác tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay được thực hiện cả ở 3 cấp Trung ương (đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% toàn quốc) còn lại các địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm.

Thời gian qua, Bộ Y tế, các Bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ, tháo gỡ các tồn tại, khó khăn vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

Để đảm bảo nguồn cung thuốc, trang thiết bị y tế trên thị trường, Bộ đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế; đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp toàn diện mua sắm, đấu thầu, mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phá gia, tăng cường công bố các thông tin phục vụ đấu thầu..

Kết quả, theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã cung ứng đủ thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu thuốc cục bộ.

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh như Bạch Mai từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất máy móc…

Liên quan đến vấn đề thiếu máu của Bệnh viện Huyết học – Truyền máu thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải, nguyên nhân là do khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu). Bộ Y tế đã có 5 văn bản chỉ đạo. Tổng lượng máu Bộ Y tế điều phối hỗ trợ cho bệnh viện Huyết học Truyền máu thành phố Cần Thơ để cung cấp cho 74 bệnh viện khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ tháng 6/2023 đến nay gần 65.000 đơn vị máu…

Thiếu thuốc, vật tư y tế do cơ chế mua sắm, đấu thầu và tâm lý sợ sai của cán bộ
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình tại phiên họp sáng nay 1/11 (Ảnh: Quocho.vn)

Tuy nhiên đến ngày 30/10/2023 công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiêm sàng lọc máu của Bệnh Viện Cần Thơ vẫn chưa có đủ để bệnh viện có thể tự tiếp nhận và cung cấp máu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, cùng một cơ chế chính sách nơi làm tốt, nơi còn nhiều vướng mắc.

Đối với vấn đề mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay: Đối với mua 10 loại vắc xin sản xuất trong nước theo hình thức đặt hằng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đã thẩm định xong phương án giá và gửi Bộ Tài chính phê duyệt gái tối đa. Hiện Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện phê duyệt, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá đặt hàng cụ thể để Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng đặt hàng với các nhà sản xuất vắc xin, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023.

Đối với mua sắc xin phối hợp 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) hiện đang tổ chức lựa chọn thầu theo quy định pháp luật. Trong thời gian chờ, Bộ Y tế đã vận động cá nhà tài trợ trong nước và quốc tế tài trợ gần 300 nghìn liều vắc xin 5 trong 1 cung cấp cho 63 địa phương để thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng.

Đối với các danh mục thuốc bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu, từ 2014 đến nay đã có 5 lần cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Việc rà soát danh mục thuốc hiện hành để loại các thuốc hiệu quả thấp, có cảnh báo an toàn, rà soát các chẩn đoán điều trị, xác định hiệu quả điều trị của thuốc mới so với các thuốc tương tự đã có trong danh mục thuộc hiện hành, đồng thời đánh giá tình hình chi trả, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

"Không phải cứ thuốc mới phát minh và thuốc mới được đăng ký là nghiễm nhiên được dưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế"- Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại, nên việc chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.

"Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm, lựa chọn thuốc thành phần phù hợp"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương