Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần giảm thiểu rủi ro

(Banker.vn) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành trụ đỡ đối với nền kinh tế, giảm thiếu áp lực cung cấp vốn của ngân hàng. Mặc dù vậy, trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần các cơ quan chức năng tháo gỡ.

Năm 2021, Việt Nam đã chứng kiến kỷ lục chưa từng có của thị trường trái phiếu doanh nghiệp: tổng giá trị phát hành đạt tới 637.000 tỷ, tăng 48% so với năm 2020. Bóc tách theo cơ cấu ngành thì ngành ngân hàng đang dẫn đầu với 228.000 tỷ, chiếm 38% và bám sát nút đằng sau là ngành bất động sản với 207.000 tỷ, chiếm 34%. Đặc biệt, về kỳ hạn, nếu trong năm 2020, kỳ hạn bình quân của trái phiếu doanh nghiệp là 4,6 năm thì năm 2021 đã giảm xuống còn 3,6 năm.

Có thể nói, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một trong những trụ đỡ - điều mà 5,10 năm trước ít người có thể tưởng tượng được. Điều này đã giúp ngành ngân hàng giảm tải áp lực rất lớn từ việc cung cấp vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng như hai mặt của đồng xu, thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Tiềm ẩn những rủi ro

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân và có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Các tổ chức này vận dụng những điều pháp luật cho phép để “hô biến” những nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định của pháp luật và được nhà đầu tư chấp thuận.

Ông Nguyễn Hoàng Dương chỉ ra điểm bất cập: “Các nhà đầu tư cá nhân vẫn là chính họ, chưa thể đánh giá hay lường hết những rủi ro của doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu họ mua.”

Bên cạnh đó, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế hay những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu. Lại có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn.

Phản hồi ý kiến về việc có thể để một vài vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, để người dân, nhà đầu tư biết thực chất đấy là rủi ro, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, không phải vì trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt mà gây mất an toàn về mặt hệ thống, nhưng điều này gây nguy hiểm khi các khoản vay trái phiếu sẽ liên thông với tín dụng ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trong nền kinh tế. Vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, cần phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, một mặt, để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, mặt khác để giảm thiểu những rủi ro về mặt thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo an toàn của thị trường.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup, triển vọng kênh trái phiếu doanh nghiệp năm nay không tươi sáng như năm 2021 do phụ thuộc rất lớn vào chính sách và việc sửa đổi Nghị định 153.

“Tôi cho rằng, dù tác động nắn chỉnh chặt hay không, cũng sẽ tác động nhất định đến giá trị phát hành và kênh huy động vốn của doanh nghiệp thông qua trái phiếu trong năm nay và sẽ mất một thời gian để thị trường thích nghi với chính sách mới”, ông Thuân nhận định.

Tháo gỡ khó khăn

Trước những rủi ro trên, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Bộ Tài chính hiện đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc với Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam có những thiết kế tháo gỡ những khó khăn, “khơi thông” về quy trình cũng như thời gian thẩm định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, đem lại lợi ích cho nhiều bên.

Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ yên tâm hơn, mặc dù rủi ro vẫn do nhà đầu tư chịu hoàn toàn nhưng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng có “tấm lá chắn” do được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát và cấp phép trước khi phát hành. Doanh nghiệp cũng có lợi hơn, nhất là với những công ty đại chúng do việc công bố thông tin không phải là một “gánh nặng”.

Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những giải pháp để phát triển song song các kênh khác để có thể bù đắp kênh trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp có thay đổi về khung pháp lý, như các quỹ đầu tư về trái phiếu, các loại hình quỹ đầu tư, quỹ hưu trí khác.

Bình luận về dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP về quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, ông Thuân cho rằng điểm nổi bật chính là Điều 1.1 (sửa đổi Điều 5.1 Nghị định 153) cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Ông nhận xét, mấu chốt giải quyết vấn đề minh bạch về mặt thông tin, đặc biệt khi phát hành đến nhà đầu tư cá nhân dưới bất kì hình thức nào, không nên chặn quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp.

"Nhà đầu tư cá nhân biết mà vẫn đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. Xếp hạng tín nhiệm chỉ là một phần nhỏ, câu chuyện là minh bạch. Tất cả các giao dịch liên quan đến công ty mẹ hay con, trực tiếp hay gián tiếp, nhưng liên quan đến ông chủ đều phải minh bạch hết. Tức nhà phát hành phải kê khai ra hết việc dùng trái phiếu vào công ty nào, kể cả "sân sau". Phát hành trái phiếu đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, Luật Doanh nghiệp và Chứng khoán đều định nghĩa, cứ thế bám vào." - Ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị định 153 cũng đã bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Chủ tịch FiinGroup cho hay, kết thúc năm 2021, có tới 964 đợt phát hành trái phiếu từ hơn 300 tổ chức phát hành, tuy nhiên, cả thị trường chỉ có 2 đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa được cấp phép và đi vào hoạt động.

Thu Thủy
Theo Báo Công thương
Theo: Báo Công Thương