Thị trường nhiều rủi ro, không phải lúc sử dụng margin và lướt sóng

(Banker.vn) Để thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động trở lại, việc vực dậy lòng tin của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để dòng tiền quay trở lại thị trường. Theo các chuyên gia, muốn lấy niềm tin của nhà đầu tư thì không gì bằng đảm bảo sự minh bạch của TTCK, với các thông tin rõ ràng, đầy đủ của các cơ quan quản lý Nhà nước về việc xử lý sai phạm; giám sát điều kiện phát triển của các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Thị trường chứng khoán giảm điểm là bước đệm cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ

Hoạt động của khối công ty chứng khoán không khả quan

Thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhận xét, các thị trường vốn như chứng khoán vừa qua tăng trưởng nhanh, là một trong số các kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Thị trường nhiều rủi ro, không phải lúc sử dụng margin và lướt sóng
TTCK liên tục mất điểm với mức độ giảm sâu khiến đa số nhà đầu tư thua lỗ

Song thị trường này đang nhiều biến động, nhiều phiên giảm điểm sâu, VN-Index đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10/12/2020. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây.

Cùng với số lượng tài khoản mở mới liên tục giảm, thanh khoản thị trường cũng ngày càng sụt giảm. Thực tế, đã có CTCK đang đứng trước viễn cảnh giảm doanh thu hoặc rơi vào thua lỗ. Điển hình như Chứng khoán Trí Việt (mã TVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu hoạt động giảm đến 70% so với cùng kỳ, xuống còn 18,8 tỷ đồng do hầu hết các mảng hoạt động đều kém hiệu quả. Hiện TVB lỗ ròng 6,2 tỷ đồng trong quý III; quy mô danh mục tự doanh của TVB đã giảm mạnh hơn 400 tỷ đồng so với cuối quý trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TVB ghi nhận doanh thu đạt 127,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 83% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với mức lỗ trước thuế 35 tỷ đồng và lỗ sau thuế ghi nhận hơn 60 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của FPTS giảm 38% xuống 633 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 66% xuống 228 tỷ đồng.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý III đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm gần 73%. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt hơn 24 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VDSC thu về gần 625 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 15% cùng kỳ. Tuy nhiên, LNTT và LNST ghi nhận con số âm lần lượt là 111 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn.

Hay như Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ghi nhận LNTT giảm 59% so với cùng kỳ, đạt 75 tỷ đồng. LNST giảm 49% xuống còn 75 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất của CTCK này kể từ quý IV/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT của TVSI đạt 418 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI) công bố BCTC quý III với doanh thu hoạt động đạt hơn 561 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VCSC ghi nhận LNTT đạt 1.027 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.

Còn Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, mã: HCM) công bố BCTC quý III với LNST 165 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNST giảm 21% xuống mức 727 tỷ đồng.

Trong khi đó, mặc dù là CTCK giữ 9,6% thị phần môi giới cổ phiếu trong quý III, nhưng Chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của biến động thị trường từ đầu năm đến nay, với mức LNST đạt 309 tỷ đồng, giảm một nửa so với kết quả thực hiện trong quý III/2021. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, LNST đạt 1.965 tỷ đồng, giảm 4%.

Không chỉ kết quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu của SSI trên sàn cũng lao dốc mạnh. Từ mức đỉnh 48.000 đồng/cp (tháng 11/2021), mã này chỉ còn 15.100 đồng/cp (chốt phiên 24/10), tương đương “bốc hơi” hơn 66,2 % giá trị. Đây cũng là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 kể từ đầu năm đến nay

Nhiều tài khoản đã về ngưỡng an toàn, thậm chí dư sức mua

Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh quý III mang sắc màu chủ đạo là xám. Tuy nhiên, điểm sáng le lói là dư nợ cho vay toàn thị trường lại tăng trở lại trong quý III sau khi sụt giảm mạnh vào quý trước đó.

Tính tới cuối quý III, ước tính dư nợ cho vay của các CTCK là khoảng 160.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 10.000 tỷ so với quý trước. Trong đó, dư nợ cho vay margin khoảng 153.000 tỷ đồng (tăng khoảng 13.000 tỷ so với cuối quý trước đó), còn lại là ứng trước tiền bán. Cũng cần lưu ý, 160.000 tỷ đồng là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.

Thống kê cho thấy, hầu hết các CTCK Top đầu đều có sự tăng trưởng dư nợ cho vay trong quý III. Trong đó, Mirae Asset tăng mạnh nhất với dư nợ cho vay lên đến gần 16.400 tỷ đồng. Theo sau là SSI (15.600 tỷ đồng), TCBS (15.200 tỷ đồng), VNDirect (12.950 tỷ đồng) và HSC (10.900 tỷ đồng). Mặt khác, số lượng công ty ghi nhận dư nợ cho vay sụt giảm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chuyên gia cho rằng, sau làn sóng “call margin” diễn ra trên diện rộng vào cuối quý II, rất nhiều tài khoản đã về ngưỡng an toàn, thậm chí dư sức mua. Nhiều khả năng, nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 9 đã kích hoạt một phần dòng tiền quay trở lại bắt đáy khi nhận thấy thị trường đã chiết khấu đủ hấp dẫn và nhiều cổ phiếu có định giá rẻ bất ngờ, mặc dù động thái giải ngân bằng đòn bẩy vẫn khá dè dặt bởi thị trường còn nhiều biến động khó lường.

Điều này hé mở một tương lai khá sáng cho dòng tiền vào thị trường cũng như kết quả kinh doanh khả quan trong dài hạn của các công ty chứng khoán. Từ đó mang tới tác động tích cực cho cổ phiếu nhóm ngành này.

Thực tế, nhóm chứng khoán thường có beta cao, luôn giảm hoặc lên nhiều hơn so với chỉ số VN-Index. Từ đầu năm tới nay, nhóm này đã điều chỉnh tới 42%, trong khi thị trường chung chỉ 22%.

Cách phòng tránh rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán

Hiện, nhiều CTCK đều đưa ra những dự báo kém tích cực về thị trường trong những tháng cuối năm. Mới nhất, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) một lần nữa điều chỉnh vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index xuống mức 1.330 điểm thời điểm cuối năm 2022, mức giảm này khá mạnh so với con số 1.760 điểm trong kịch bản hồi đầu năm.

Tương tự, trong báo cáo mới nhất của Chứng khoán ACB (ACBS), chỉ số VN-Index được hạ xuống khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2022 dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức 19%.

Lý giải nguyên nhân TTCK bất ổn trong thời gian qua, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT cho biết, thị trường phụ thuộc rất lớn vào sự kỳ vọng và luôn biến động trước diễn biến của nền kinh tế. Cụ thể, trong hai quý đầu năm 2022, tăng trưởng và xuất khẩu đều giảm, nền kinh tế liên tục có biến động nên TTCK phản ánh trước vài tháng. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu còn về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp.

Để thị trường chứng khoán sôi động trở lại, việc vực dậy lòng tin của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để dòng tiền quay trở lại thị trường. Theo các chuyên gia, muốn lấy niềm tin của nhà đầu tư thì không gì bằng đảm bảo sự minh bạch của TTCK, với các thông tin rõ ràng, đầy đủ của các cơ quan quản lý Nhà nước về việc xử lý sai phạm; giám sát điều kiện phát triển của các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường năng lực toàn diện và kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ chủ chốt đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, đảm bảo công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, để phòng tránh rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng khuyến cáo, các nhà đầu tư nên hạn chế tối đa sử dụng margin và lướt sóng trong giai đoạn này; tái cơ cấu danh mục đầu tư giữ tỷ trọng tiền mặt lớn hơn; tập trung vào những cổ phiếu cơ bản tốt. Ngoài ra, nhà đầu tư cần phải hiểu về mã cổ phiếu định mua, lựa chọn mã cổ phiếu của doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu và kết quả kinh doanh tốt, báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch.

Theo các chuyên gia, dù thị trường có nhiều biến động nhưng nhà đầu tư có thể thành công trên thị trường nếu như có khả năng phán đoán và biết cách xử lý khủng hoảng. Chu kỳ của một nền kinh tế chỉ ra rằng, sau mỗi cuộc khủng hoảng kéo dài, thị trường sẽ tạo đáy, bước vào giai đoạn hồi phục và sau đó tăng trưởng trở lại. Do đó, việc linh động trong sử dụng vốn cần được các nhà đầu tư thực hiện và chuẩn bị một danh mục tiềm năng, kiên nhẫn chờ đợi các điều kiện lớn thỏa mãn cho một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Cổ phiếu đầu ngành giảm mạnh, VNM "gồng gánh" giữ VN-Index lại mốc 1.020

Cùng với đà giảm chung của thị trường, các cổ phiếu đầu ngành chính là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh trong tuần qua...

Tin tức chứng khoán 9h00' hôm nay 24/10/2022: NTP, SGI, CLX, HES, SSG

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán mới nhất ...

Chuyên gia gợi ý nhóm ngành triển vọng đáng đầu tư trong thời gian tới

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI cho biết, nhà đầu tư cần chắt lọc cơ hội đầu tư. Nhóm ngành phòng thủ ...

Việt Hoàng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán