Thị trường năm 2023 có thêm 393.000 tài khoản chứng khoán mở mới

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán ghi nhận thêm 393.000 tài khoản chứng khoán trong nước mở mới, con số này thấp hơn rất nhiều so với con số mở mới kỷ lục của năm 2022.
Hơn 378.100 tài khoản chứng khoán bị đóng trong 1 tháng Chính phủ đặt mục tiêu đạt 11 triệu tài khoản chứng khoán vào năm 2030

Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày cuối năm 2023.

Tính đến cuối tháng 12, toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 7,25 triệu tài khoản chứng khoán trong nước (có 7,23 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân, còn lại là tài khoản của tổ chức). Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài là 45.384 tài khoản.

Thị trường năm 2023 có thêm 393.000 tài khoản chứng khoán mở mới
393.000 tài khoản chứng khoán trong nước mở mới trong năm 2023

Trong tháng 12, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 40.000 tài khoản giao dịch chứng khoán; nhà đầu tư nước ngoài mở mới gần 200 tài khoản.

Thị trường không còn ghi nhận tình trạng tài khoản chứng khoán bị đóng do không phát sinh giao dịch khi công ty chứng khoán thực hiện sàng lọc như các tháng 10 và 11.

Tổng kết năm 2023, thị trường chứng khoán ghi nhận thêm 393.000 tài khoản chứng khoán trong nước mở mới, con số này thấp hơn rất nhiều so với con số mở mới kỷ lục của năm 2022 (2,6 triệu).

Kết thúc năm 2023, thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng 12,3% của VN-Index lên sát mốc 1.130 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong nhịp bứt phá của VN-Index giai đoạn tháng 5 đến cuối tháng 9 trước khi sụt giảm vào các tháng cuối năm.

Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký, Chính phủ đặt mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục