Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 18/3, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đều tăng giá. Trong đó, giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 4 tháng trước mối lo ngại về rủi ro địa chính trị. Ngoài ra, tín hiệu thắt chặt từ phía nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ hơn cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá.
Chốt phiên 18/3, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,55 USD (1,8%) lên 86,89 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,68 USD (2,1%) lên 82,72 USD/thùng. Theo đó, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2023 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023. Tại các thị trường năng lượng khác, giá xăng kỳ hạn của Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/8.
Vào cuối tuần qua, Ukraine tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, gây thiệt hại nặng nề cho một số nhà máy lọc dầu nằm sâu trong lãnh thổ nước này. Giám đốc điều hành Gunvor Group Torbjörn Törnqvist ước tính khoảng 600.000 thùng công suất lọc dầu hàng ngày của Nga đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.
Về phía nguồn cung, Iraq, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống 3,3 triệu thùng/ngày (bpd) trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt hạn ngạch của OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ kể từ tháng 1.
Trong tháng 1 và tháng 2, Iraq đã sản xuất nhiều dầu hơn đáng kể so với mục tiêu sản lượng đưa ra hồi tháng 1 khi một số thành viên của OPEC+ đồng ý hỗ trợ thị trường.
Tại Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, xuất khẩu dầu thô giảm tháng thứ hai liên tiếp, từ mức 6,308 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023 xuống 6,297 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024.
Đối với các mặt hàng trong nhóm kim loại cho thấy những biến động nhỏ và tương đối trái chiều, trong bối cảnh thị trường dồn sự tập trung vào cuộc họp lãi suất của Uỷ ban thị trường mở Liên bang (FOMC). Đối với nhóm kim loại quý, trong khi giá bạch kim giảm mạnh 2,66% xuống 918,4 USD/ounce, giá bạc lại dao động với biên độ khá hẹp trong phiên giao dịch, kết phiên giảm nhẹ 0,46% xuống 25,26 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần trái chiều hơn. Đồng COMEX duy trì đà tăng giá do nguồn cung thắt chặt, và một số dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 2 có phần tích cực hơn dự kiến. Chốt phiên, giá đồng COMEX tăng 0,15% lên 4,13 USD/pound.
Fastmarkers đã tính toán chỉ số xử lý cô đặc đồng hàng tuần tại Châu Á ở mức 9,4 USD/tấn vào tuần trước, mức thấp nhất mọi thời đại. Phí xử lý (TC) và phí tinh chế (RC) thường được sử dụng trong các điều khoản mua quặng đồng để tinh chế, là số tiền nhằm trang trải chi phí tinh chế. Phí càng thấp càng phản ánh rủi ro thắt chặt nguồn cung trên thị trường.
Thêm vào đó, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy một số lĩnh vực hoạt động của Trung Quốc tăng trưởng tích cực hơn dự kiến. Sản lượng công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 của Trung Quốc tăng 7,0% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 5,3% và mức tăng 6,8% theo số liệu tháng 12/2023. Điều này cho thấy các nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ, từ đó hỗ trợ cho giá đồng vốn được coi là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế.
Đây cũng là lý do chính giúp giá quặng sắt phục hồi gần 4% giá trị sau khi giảm hơn 13% trong tuần qua. Kết phiên, giá quặng sắt đóng cửa ở mức giá 103,01 USD/tấn.
Ở nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp, sắc xanh cũng chiếm áp đảo trên bảng giá. Trong đó, diễn biến trái chiều trên thị trường cà phê. Giá Arabica đánh mất 0,66% trong khi giá Robusta tăng thêm 1,06% so với tham chiếu. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung trên thị trường là yếu tố chính đã hỗ trợ lực mua đối với Robusta.
Theo các nhà phân tích, tồn kho cà phê Robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính từ ngày 15/3 đã tăng 3.220 tấn, tức tăng 13,40% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 27.250 tấn (khoảng 454.167 bao, bao 60 kg), mức tăng khá mạnh, chủ yếu là cà phê Conilon Robusta có xuất xứ từ Brasil.
Trong khi đó, giá bông tăng 0,67% khi thị trường tiếp tục phản ứng với doanh số bán bông tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu tuần kết thúc ngày 7/3, Mỹ đã bán 85.800 kiện bông, tăng 65% so với tuần trước. Đồng thời, quốc gia này đã xuất đi 217.700 kiện bông, tăng 4% so với trung bình 4 tuần. Điều này phản ánh nhu cầu đối với bông Mỹ trên thị trường quốc tế dần được cải thiện.
Dù vậy, chỉ số Dollar Index mạnh lên trong phiên tối đã phần nào kìm hãm lực tăng của giá. Đồng USD tăng khiến giá bông Mỹ đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao đã hạn chế lực mua trên thị trường.
Giá đường 11 nhích nhẹ 0,18% so với mức tham chiếu. Các thông tin trái chiều về sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất chính đã tạo nên diễn biến giằng co trong phiên. Theo công ty Fitch Solutions, việc cắt giảm diện tích trồng mía tại các bang chính của Ấn Độ kết hợp với sản lượng tại Trung Nam của Brazil dự kiến giảm trong niên vụ 24/25 đang là yếu tố thúc đẩy lực phục hồi của giá. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với dự báo sản lượng đường Ấn Độ sẽ hồi phục của Tổ chức đường nước này đưa ra trước đó.
Thị trường hàng hóa ngày 14/3/2024: Nhóm năng lượng và kim loại đồng loạt tăng Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa trong ngày ... |
Thị trường hàng hóa ngày 15/3: Giá dầu lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) hôm nay (15/3) cho thấy, diễn biến phân hóa trên thị trường hàng hóa ... |
Thị trường hàng hóa hôm nay 18/3: Nhiều hàng hóa nguyên liệu tăng giá mạnh Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (11 - 15/3), thị trường hàng ... |
Anh Vũ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|