Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/2/2024: Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa

(Banker.vn) Số liệu từ MXV cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (20/2), lực bán mạnh chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,36 % xuống 2.112 điểm.
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 19/2/2024: Xung đột Trung Đông ‘nóng’ lên, giá dầu và kim loại quý tăng mạnh Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 20/2/2024: Thị trường hàng hóa thế giới trầm lắng trong ngày nghỉ lễ President's day

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (20/2), lực bán mạnh chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,36% xuống 2.112 điểm. Dòng tiền đã trở lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới một cách mạnh mẽ. Giá trị giao dịch toàn Sở lên mức gần 4.800 tỷ đồng. Trên bảng giá hàng hóa, sắc xanh đỏ đan xen. Tuy nhiên, nổi bật nhất là nhóm năng lượng với 5/5 mặt hàng giá đồng loạt đi xuống, giá trị giao dịch tăng mạnh hơn 317% so với ngày hôm trước.

Giá dầu suy yếu từ mức cao nhất trong ba tuần

Kết thúc ngày giao dịch 20/2, giá dầu suy yếu từ mức cao nhất trong ba tuần qua. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,81% xuống 77,04 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,46% xuống 82,34 USD/thùng.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/2/2024: Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa
Bảng giá năng lượng

Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn có thể gây áp lực lên tăng trưởng nhu cầu. Trường hợp hạ lãi suất vào tháng 3 gần như chắc chắn không thể xảy ra, trong khi các nhà đầu tư cũng đang ngày càng giảm đặt cược vào khả năng hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 5. Theo khảo sát mới nhất của Reuters, có 53 trong số 104 nhà kinh tế cho rằng FED bắt đầu hạ từ tháng 6 và chỉ có 33 người cho rằng FED sẽ hạ lãi suất ngay từ tháng 5.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/2/2024: Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa
Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại các nhà máy của Mỹ vẫn còn hạn chế do bảo trì theo mùa và sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch. Khảo sát sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 dự kiến tiếp tục tăng 4,3 triệu thùng, sau mức tăng mạnh 12 triệu thùng của tuần trước đó.

Ngoài ra, giá cũng chịu sức ép dưới áp lực từ phía nguồn cung khi Angola có kế hoạch xuất khẩu 35 lô dầu thô vào tháng 4, cao hơn 1 lô hàng so với mức dự tính trong tháng 3. Trong khi đó, mặc dù đang gặp khó khăn tại thị trường châu Á với việc các chuyến hàng dầu thô Sokol chưa thể cập bến Ấn Độ, Nga đang tiếp tục tìm ra cho mình các thị trường mới. Cụ thể, khoảng 1,8 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Venezuela trên tàu VLCC Ligera, trong khi một lô hàng khác đang hướng tới Ghana. Tất cả các lý do trên khiến giá dầu đi xuống dù xung đột Trung Đông vẫn còn tiếp diễn.

Thị trường đậu tương tiếp đà phục hồi

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày 20/2, thị trường đậu tương nối dài đà hồi phục từ cuối tuần trước và đóng cửa với mức tăng nhẹ chưa đến 1%. Đà tăng của giá duy trì ổn định trong phần lớn thời gian giao dịch, tuy nhiên những số liệu không mấy khả quan trong báo cáo Export Inspections đã phần nào hạn chế lực mua trong phiên tối.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/2/2024: Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa
Bảng giá nông sản

Về tình hình sản xuất, Viện Khí tượng Quốc gia (Inmet) mới đây đã đưa ra cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện trong ngày 21/2 tại các khu vực Trung Bắc Brazil. Các bang sản xuất trọng điểm như Mato Grosso, Minas Gerais, Goiás và một số vùng Đông Bắc sẽ có mưa rào đi kèm nguy cơ cây đổ và lũ lụt. Theo mô hình Cosmo,mưa có xu hướng kéo dài ít nhất đến cuối tuần. Điều này đặt ra một số lo ngại đối với vụ đậu tương tại quốc gia Nam Mỹ này khi mưa lớn trên diện rộng có thể cản trở hoạt động thu hoạch của nông dân và gây ra thiệt hại về cây trồng. Đây là yếu tố đã tác động ngắn hạn đến giá đậu tương CBOT trong phiên vừa rồi.

Ngoài ra, một số rủi ro về hoạt động vận tải của Argentina cũng đã góp phần hỗ trợ nhẹ tới giá trong phiên hôm qua. Cụ thể, giao thông trên sông Parana, tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc chính của nước này, tiếp tục bị gián đoạn do mực nước thấp. Điều này đồng nghĩa với việc các tàu chở hàng không thể đến hoặc rời cảng Rosario, nơi phần lớn đậu tương của Argentina được xuất khẩu đi khắp thế giới, gây ra lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Tại Mỹ, báo cáo tối qua cho biết nước này chỉ giao được 1,18 tấn đậu tương trong tuần 9 - 15/2, thấp hơn mức 1,34 triệu tấn của tuần trước đó. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp khối lượng giao hàng ghi nhận sự sụt giảm, cho thấy tình hình xuất khẩu của Mỹ vẫn khá ảm đạm, đồng thời gây ra sức ép nhẹ đến giá.

Khô đậu tương cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,83% khi kết phiên. Lực mua được thúc đẩy chủ yếu bởi sự xuất hiện của đơn hàng Daily Export Sales sau nhiều ngày vắng bóng. Cụ thể, USDA thông báo Mỹ đã bán 228.000 tấn khô đậu tương giao trong niên vụ 23/24 cho Philipines vào hôm qua. Trong khi đó, giá dầu đậu tương diễn biến khá giằng co trong phiên vừa rồi và đóng cửa với mức giảm không đáng kể 0,35%.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 20/2, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam chưa có nhiều thay đổi. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 11.950 - 12000 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.000 - 11.050 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 50 đồng so với cảng Cái Lân.

Giá một số hàng hóa khác

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/2/2024: Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa
Bảng giá kim loại
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/2/2024: Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa
Bảng giá Nguyên liệu công nghiệp

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Theo: Báo Công Thương