Thị trường hàng hóa hôm nay 17/10: Dầu thô giảm do lo ngại việc xuất khẩu dầu thô của Venezuela, khí tự nhiên giảm mạnh

(Banker.vn) Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm nay, hầu hết các nhóm đều diễn biến giằng co. Giá dầu giảm nhẹ trước các thông tin trái chiều trên thế giới, trong khi kim loại công nghiệp phục hồi đáng kể.

Một số thông tin tác động đến thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/10: Dầu thô giảm do lo ngại việc xuất khẩu dầu thô của Venezuela, khí tự nhiên giảm mạnh

Kinh tế vĩ mô

- Hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm ròng 289 tỷ nhân dân tệ (khoảng 39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm. Đây là đợt bơm thanh khoản lớn nhất của PBoC kể từ tháng 12/2020. Lãi suất MLF kỳ hạn 1 năm giữ nguyên ở mức 2,5%, phù hợp hơn với kỳ vọng của thị trường. Đồng thời, PBoC đã rút ròng 134 tỷ nhân dân tệ trái phiếu ngắn hạn. Động thái này diễn ra khi Bắc Kinh đang cân nhắc một đợt kích thích kinh tế mới, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 5%.

Bộ Tài chính Trung Quốc cũng bán 1.200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ vào tháng 9 vừa qua, cao hơn 60% so với mức trung bình cùng kỳ trong 3 năm gần đây. Thêm nữa, các nhà hoạch định chính sách cũng cân nhắc việc bán thêm trái phiếu chính phủ ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

- Theo dự báo của 60 nhà kinh tế mà Reuters khảo sát, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể tăng 4,4% trong quý III so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 6,3% của quý II/2023. Tính cả năm 2023, dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5%, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi năm 2024 được dự báo tăng 4,5%.

- Theo khảo sát của Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ không hạ lãi suất cho đến tháng 9/2024. Các chuyên gia cũng dự báo lạm phát sẽ tăng với tốc độ vừa phải, ở mức 2,7% trong năm 2024 và 2,1% vào năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến thấp hơn ở mức 0,7% năm 2024 và 2023 khoảng 0,5%.

Dầu thô

Giá dầu thô và xăng giảm nhẹ trong phiên hôm qua. Những nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc chiến Israel-Hamas đã làm giảm bớt lo ngại xung đột mở rộng và đe dọa nguồn cung dầu thô ở Trung Đông, và điều này không hỗ trợ giá dầu. Giá dầu thô cũng chịu ảnh hưởng từ thông tin Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela để đổi lấy việc chính phủ nước này cải thiện các điều kiện bầu cử tổng thống công bằng vào năm tới. Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt có thể bổ sung thêm nguồn cung dầu thô cho thị trường toàn cầu.

Dù vậy, sự suy yếu của đồng đô la cũng hạn chế sự sụt giảm của giá dầu thô. Thêm nữa, bình luận từ Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian cũng hỗ trợ giá dầu khi ông nói, “Thời gian cho các giải pháp chính trị không còn nhiều, và khả năng mở rộng chiến tranh sang các mặt trận khác đang đến giai đoạn tất yếu”. Ngoại trưởng Iran nói rằng các chiến binh Hezbollah có thể mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến của Israel nếu tiếp tục việc phong tỏa Gaza và các cuộc tấn công vào dân thường.

Theo nguồn tin từ Reuters, Mexico đã vận chuyển dầu thô sang Cuba từ cuối quý I/2023, và tính đến nay ghi nhận khoảng 2,8 triệu thùng dầu thô.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nói trong một cuộc họp báo rằng, Mexico sẵn sàng giúp đỡ người dân Cuba, mà không cần phải xin phép bất kỳ chính phủ nước ngoài nào khác.

Đồng

Theo thông tin của Bộ năng lượng và mỏ Peru (Minem), sản lượng đồng trong tháng 8 ghi nhận 223.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, sản lượng đồng đạt 1,7 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, nhờ hoạt động khai thác tăng mạnh tại công ty Freeport-McMoRan và Cerro Verde.

Thép

Brussels và Washington đang có kế hoạch hợp tác để tạo ra một khu vực thuế quan chung, đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc, Ủy ban Châu Âu đề xuất về mối quan hệ EU - Mỹ, theo tờ Politico.

Cụ thể trong dự thảo thỏa thuận ngày 3/10, Washington và EU nêu phương án áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Nói cách khác, cả hai bên đang lên ý tưởng tạo ra “một câu lạc bộ gồm các nền kinh tế có cùng chí hướng”, sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế - nơi được cho là đang rót trợ cấp vào các lĩnh vực quan trọng như thép và công nghệ sạch.

Ở giai đoạn này, các bên cho rằng biện pháp thuế quan cần được áp dụng trong “thời gian ngắn nhất có thể” sau khi thỏa thuận được thông qua. Điều thú vị là mức thuế 25% và 10% là những con số tương ứng với mức thuế năm 2018 của Trump, bao gồm cả thuế chống lại các nhà sản xuất EU.

Mặc dù cuộc tranh chấp xuyên Đại Tây Dương đã bế tắc trong nhiều năm, nhưng Ủy ban và chính quyền Biden hiện đang đàm phán đến cuối cùng để đưa ra giải pháp. Để làm như vậy, họ thậm chí còn lùi thời hạn tự đặt ra để đạt được thỏa thuận từ cuối tháng 10/2023 đến ngày 1/1/2024.

Thị trường hàng hóa hôm nay 14/10: Căng thẳng leo thang ở Trung Đông thổi bùng giá xăng dầu tăng 5%

Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm nay, diễn biến mới ở Trung Đông tiếp tục đẩy giá dầu tăng vọt gần 5%, giá ...

Xuất khẩu thép thô của Việt Nam tăng mạnh trong 9 tháng

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, xuất khẩu thép thô 9 tháng đầu năm tăng trưởng 81% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,4 triệu ...

Phía sau việc Mỹ và EU sốt sắng áp thuế 25% với thép Trung Quốc

Cả Mỹ và EU đều cho rằng biện pháp thuế quan đối với thép Trung Quốc cần được áp dụng trong “thời gian ngắn nhất ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán