Giá dầu thế giới tăng phiên thứ 6 liên tiếp Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt Giá dầu thế giới đột ngột quay đầu giảm mạnh hơn 3% |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán quay lại chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch hôm qua (14/4). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,2% về mức 2.164 điểm. Mặc dù vậy, thị trường kim loại và năng lượng, nhiều mặt hàng vẫn tăng giá trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tiếp tục phục hồi.
![]() |
Chỉ số MXV-Index |
Đồng COMEX chinh phục lại mốc 10.000 USD/tấn
Theo ghi nhận của MXV, phiên giao dịch ngày đầu tuần chứng kiến 8 trên 10 mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá. Động lực chính đến từ những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung cùng tín hiệu nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc phục hồi.
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tiếp tục duy trì đà tăng, chốt phiên ở mức 32,17 USD/ounce, tăng 0,81% so với phiên trước. Trong đó, giá bạch kim cũng tăng 1,37%, đạt mức 957,5 USD/ounce.
![]() |
Bảng giá kim loại |
Nhóm kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh chỉ số đồng USD giảm thêm 0,46% xuống còn 99,64 điểm. Đồng USD suy yếu khiến các kim loại quý định giá bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư quốc tế, qua đó kích thích lực mua.
Bên cạnh đó, thị trường bạch kim đang bước vào năm thứ ba thâm hụt. Theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC), mức thiếu hụt năm 2025 dự kiến lên tới 848.000 ounce, tăng mạnh so với dự báo trước đó. Cùng lúc, nguồn cung toàn cầu cũng được dự báo giảm 4%, xuống còn khoảng 7 triệu ounce, mức thấp nhất kể từ năm 2013, chủ yếu do sự suy yếu kéo dài từ cả hoạt động tái chế và khai thác mỏ.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng bật tăng 2,27%, lên 10.197 USD/tấn trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung khi các nhà máy luyện kim không sở hữu mỏ đối mặt với tình trạng thiếu tinh quặng. Điều này đã khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, buộc nhiều nơi phải giảm công suất để tránh thua lỗ. Theo nền tảng SAVANT, tháng 3, hoạt động luyện đồng rơi xuống thấp nhất trong năm, với 12,6% công suất toàn cầu bị ngưng trệ, vượt mức đỉnh hồi tháng 5/2023. Riêng tại Trung Quốc, nhiều nhà máy đã phải thực hiện bảo trì sớm từ tháng 3 thay vì quý II như thường lệ để giảm lỗ, đẩy tỷ lệ công suất không hoạt động trong tháng lên tới 9,6%.
Trong khi đó, giá quặng sắt nhận được lực hỗ trợ hồi phục nhờ tín hiệu cải thiện rõ nét từ nhu cầu tiêu thụ, đưa giá mặt hàng này phục hồi 1,04%, đạt 98,13 USD/tấn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), trong quý I, xuất khẩu thép thành phẩm của nước này đạt 27,43 triệu tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, khối lượng xuất khẩu đã lên tới 10,46 triệu tấn, tăng mạnh 30% so với tháng 2. Hoạt động xuất khẩu thép sôi động của Trung Quốc cho thấy nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào như quặng sắt đang phục hồi tích cực.
Giá dầu phục hồi nhẹ trước triển vọng từ Trung Quốc
Theo MXV, giá dầu mở đầu tuần mới với mức tăng nhẹ nhờ các tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch; giá dầu Brent tăng nhẹ 0,19%, lên mốc 64,88 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng leo lên mốc 61,53 USD/thùng, tương ứng với mức tăng 0,05%.
![]() |
Bảng giá năng lượng |
Động lực chính thúc đẩy đà tăng giá dầu trong những phiên gần đây là kỳ vọng mạnh mẽ của giới đầu tư vào thị trường Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng 3 đã đạt 51,41 triệu tấn, tương đương khoảng 12,1 triệu thùng/ngày, xác lập mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Đáng chú ý, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa mức trung bình của hai tháng đầu năm, cho thấy nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá dầu trên thị trường quốc tế
Số liệu kinh tế vĩ mô tại Trung Quốc cũng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Tăng trưởng xuất khẩu tại Trung Quốc trong tháng 3 đạt 13,5 triệu Nhân dân tệ; tương đương với mức tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 4,4%. Từ đó, cán cân thương mại của Trung Quốc trong tháng 3 cũng vượt qua kỳ vọng của thị trường.
Thông tin Mỹ loại bỏ điện thoại, máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác khỏi danh mục các mặt hàng bị áp thuế đối ứng đã góp phần cải thiện tâm lý thị trường, hỗ trợ đà tăng giá dầu trong những phiên gần đây. Theo thông báo từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) vào chiều tối 11/4 (giờ địa phương), khoảng 20 nhóm hàng hóa, bao gồm smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ, thiết bị sản xuất bán dẫn, pin mặt trời và màn hình TV phẳng, đã được miễn trừ thuế đối ứng. Quyết định này có hiệu lực kéo về trước từ ngày 5/4, giúp các tập đoàn công nghệ lớn giảm bớt áp lực chi phí nhập khẩu.
Trong khi đó, các thông tin từ Trung Đông đã phần nào kìm hãm đà tăng của giá dầu. Cuối tuần qua tại Oman, Mỹ và Iran đã tiến hành các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của Tehran. Hai bên đều đưa ra những phản hồi tích cực, tạo kỳ vọng về khả năng giảm căng thẳng và nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với dầu thô Iran – nguồn cung đang chịu nhiều sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu còn được củng cố khi đường ống dẫn dầu Keystone từ Canada sang Mỹ dự kiến hoạt động trở lại trong ngày hôm nay, sau thời gian tạm dừng do sự cố tràn dầu tại bang North Dakota hôm 8/4. Đường ống Keystone có công suất vận chuyển khoảng 600.000 thùng/ngày, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung dầu thô cho thị trường Bắc Mỹ.
Giá một số loại hàng hóa khác
![]() |
Bảng giá nông sản |
![]() |
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |