Thị trường chứng khoán sẽ dần đi lên từ quý II và quý III/2023

(Banker.vn) Giới phân tích đánh giá, nhiều giải pháp được đưa ra hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian gần đây như: Giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, đề xuất giảm thuế, giãn hoãn nợ, cơ cấu lại các nhóm nợ… sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. Qua đó, thúc đẩy dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường chứng khoán...

VN-Index bắt đầu có dấu hiệu tích cực

VN-Index trong phiên giao dịch 26/4 chịu áp lực điều chỉnh về quanh vùng 1.030 điểm, sau đó lực cầu bắt đầu gia tăng trở lại đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình như HPG và VN-Index phục hồi trở lại để kết thúc phiên giao dịch tăng 5,95 điểm (0,57%) lên mức 1.040,80 điểm. Độ rộng trên HOSE cải thiện tích cực với 234 mã tăng điểm (09 mã tăng trần), 135 mã giảm điểm (04 mã giảm sàn) và 64 mã giữ giá tham chiếu.

Thị trường chứng khoán sẽ dần đi lên từ quý II và quý III/2023
Trước thời điểm nghỉ lễ, một số nhà đầu tư đã tranh thủ bán cổ phiếu thu về lợi nhuận, khiến toàn thị trường gặp khó trong việc tăng điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 12,378,14 tỉ đồng tăng 16,9% so với phiên giao dịch trước dưới ảnh hưởng của cổ phiếu HPG khi nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mạnh và mua ròng. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị 47,44 tỉ đồng. Bán ròng trên HNX với giá trị 14,07 tỉ đồng.

Điều đáng nói, hiện tại đang là mùa cao điểm Đại hội cổ đông năm 2023, nhưng dường như không có thông tin đáng chú ý nào để kích thích dòng tiền. Thị trường lình xình trong biên độ hẹp theo xu hướng giảm kể từ giữa tháng 4 trở lại đây.

Ngoài ra, tuần này cũng là tuần chốt danh mục của các quỹ ETF, trước đây thường sẽ có các đợt sóng với hoạt động này, hoặc chí ít thanh khoản cũng gia tăng. Tuy nhiên, hiệu ứng này hiện nay cũng không còn rõ nét.

Ông Trần Huy Doãn, Phó Phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán ACBS nhận định, nhà đầu tư đang lo ngại dòng tiền chảy vào cổ phiếu sẽ không dồi dào khi nguồn vốn đầu tư công giải ngân không nhiều. Từ đó, thị trường khó tăng điểm trong ngắn hạn. Thế nên, trước thời điểm nghỉ lễ, một số nhà đầu tư đã tranh thủ bán cổ phiếu thu về lợi nhuận, khiến toàn thị trường gặp khó trong việc tăng điểm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, quy định có hiệu lực từ 24/4 đến hết 30/6/2024. Đồng thời, NHNN cũng ban hành Thông tư 03 cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 24/4 đến hết 31/12/2023.

Có thể nói, đây là những quyết sách chủ động, kịp thời, kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên dòng tiền vẫn không “mặn mà” nhập cuộc khiến VN-Index đi xuống, ngay cả nhóm cổ phiếu ngân hàng những tưởng được hưởng lợi tích cực dường như vẫn “đứng yên”.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, những thông tư trên mang tính thực tiễn rất lớn. Tuy nhiên, chính sách nào cũng có độ trễ và nhiều chính sách cũng chưa được áp dụng ngay lập tức nên chưa thể đánh giá hiệu quả. Nhìn chung, các giải pháp đang được tiến hành đồng bộ và khẩn trương từ các nhà điều hành.

Lý giải về phản ứng trái chiều của thị trường chứng khoán, Giám đốc DSC cho rằng, câu chuyện của thị trường là dòng tiền và những chính sách này rõ ràng chưa thể ngay lập tức mang nhiều tiền cho thị trường chứng khoán. Có chăng chỉ là chờ đợi một hiệu ứng tâm lý trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia, nhà đầu tư hiện tại còn lại trên thị trường đa phần là thiện chiến. Dòng tiền đứng ngoài có thể đang chờ đợi sự chuyển biến thực sự của nền kinh tế để thay đổi quan điểm và sẵn sàng xuống tiền. Do chính sách phải cần có độ trễ và cần sự đồng bộ, không chỉ Thông tư 02 mà còn nhiều Thông tư/Nghị định khác.

Do đó, những chính sách này không làm thị trường hưng phấn hơn cũng không có gì bất thường.

Thị trường chứng khoán cần thời gian để hồi phục

Giới phân tích đánh giá, nhiều giải pháp được đưa ra hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian gần đây như: giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, đề xuất giảm thuế, giãn hoãn nợ, cơ cấu lại các nhóm nợ… sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. Qua đó, thúc đẩy dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường chứng khoán...

Tuy nhiên, “nền kinh tế hay thị trường chứng khoán cần thời gian để hồi phục, cần thời gian để các chính sách có tác dụng”, Giám đốc DSC cho hay.

Tương tự, theo chuyên gia của ACBS, trong thời gian tới, chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, ngân hàng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp của NHNN và nhiều chính sách khác sẽ phát huy tác dụng. Khi đó, dòng tiền có thể quay trở lại cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán khởi sắc.

Trong khi đó, ông Lê Quang Chung, Phó tổng giám đốc AAS cho rằng, thị trường đang giao dịch quanh ngưỡng 1.000 – 1.100 điểm và không còn áp lực quá nhiều về cung. Hơn nữa, P/E của VN-Index hiện đang ở mức khoảng 12 lần, tức là trở lại mức của năm 2019.

Mặt khác, các chính sách hạ lãi suất, phần chi phí lãi giảm xuống, bù đắp thẳng vào lợi nhuận của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh sẽ tốt lên. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đều cho thấy kết quả kinh doanh bắt đầu chạm đáy và đi lên.

Thị trường sẽ đi lên và tốt dần từ quý II và quý III/2023. Khi đó, thanh khoản thị trường cũng sẽ được cải thiện.

Do đó, các chuyên gia tin tưởng đây là thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư chọn lọc, mua cổ phiếu Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng từ đầu năm cho thấy một số nhà đầu tư đã nhận ra cơ hội hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn tổng thể, điều kiện thị trường hiện nay, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) chỉ ra cơ hội đầu tư tốt ở ba nhóm công ty.

Nhóm đầu tiên là các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và thậm chí, có thể tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mặc dù vĩ mô còn nhiều khó khăn. Chúng ta có thể kể đến các công ty trong nhóm ngành công nghệ thông tin, dược phẩm, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, một số ngân hàng có chất lượng tài sản cao và rủi ro thấp.

Nhóm thứ hai là các công ty có doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng kém trong thời gian vừa qua như các công ty bán lẻ, phân phối bất động sản, xây dựng và các công ty dệt may nhưng định giá các công ty này đã giảm nhiều. Chúng ta có thể tìm được công ty mà chúng ta tin rằng doanh thu và lợi nhuận của họ sẽ hồi phục hoặc tăng trưởng mạnh hơn sau khi kinh tế vĩ mô ổn định.

Một nhóm khác là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng gần đây bao gồm xu hướng đầu tư công và hồi phục của ngành du lịch. Nhìn chung hiện nay, các danh mục của chúng tôi đang có sự cân bằng giữa các công ty trong ba nhóm này.

Thị trường chứng khoán ngày 27/4/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Dòng tiền quay trở lại, VN-Index có phiên hồi phục đầu tiên; Cổ phiếu L35 bị HNX hủy niêm yết bắt buộc; PMW chào bán ...

Điều gì khiến VN-Index đảo chiều tăng tốt dù đã sát kỳ nghỉ lễ?

Ngược với hầu hết các dự báo của giới phân tích, VN-Index bất ngờ có phiên đảo chiều tăng điểm khá tích cực dù kỳ ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 27/4/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin gửi đến quý độc giả các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán