Thị trường chứng khoán ngày 4/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) VN-Index lọt top tăng mạnh nhất thế giới năm 2021; 'Á quân' ngành điện chuẩn bị niêm yết HOSE với vốn hóa gần 2 tỷ USD; Một cổ phiếu tăng 120% sau một tuần; Hơn 300 cổ phiếu vượt mệnh giá trong năm 2021;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 4/1/2022.

VN-Index lọt top tăng mạnh nhất thế giới năm 2021: Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2021 với việc cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm so với năm 2020. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 394,41 điểm (35,73%) so với cuối năm trước. Do đó, chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất năm 2021. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới thuộc về Abu Dhabi-Index với 68,24%. Bên cạnh VN-Index, hai chỉ số chứng khoán khác của Việt Nam là HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 133,35% và 51,35%.

Một cổ phiếu tăng 120% sau một tuần: Đóng cửa ngày 31/12/2021, giá cổ phiếu Du lịch Đắk Lắk (UPCoM: DLD) dừng tại mức 27.900 đồng/cp sau 6 phiên tăng liên tiếp với biên độ hơn 14%, tương ứng mức tăng 120%. Thanh khoản cổ phiếu thấp, khoảng 100 đơn vị khớp lệnh mỗi phiên. Riêng ngày cuối cùng của năm ngoái ghi nhận khối lượng khớp lệnh đột biến với 1.300 cổ phiếu, giá trị tương ứng khoảng 35 triệu đồng. Về Du lịch Đắk Lắk, doanh nghiệp thành lập từ năm 2005 với vốn điều lệ 22,5 tỷ đồng. Sau các đợt chào bán cổ phiếu và miễn nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp, vốn điều lệ tăng lên hơn 93 tỷ đồng tại năm 2010 và duy trì cho đến nay. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Hơn 300 cổ phiếu vượt mệnh giá trong năm 2021: Năm 2021, VN-Index tăng trưởng gần 36%, VN30 thêm 43%, UPCoM-Index đi lên 51% và HNX-Index nhảy vọt 133%. Thị trường thăng hoa trên diện rộng đã giúp nhiều cổ phiếu vượt qua ngưỡng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Theo thống kê dựa trên số liệu của Chứng khoán SSI, tại ngày cuối năm 2020 có 675 mã đóng cửa dưới mệnh giá, chiếm 40,6% tổng số mã trên thị trường. Một năm sau, vào ngày 31/12/2021, số cổ phiếu có giá thấp hơn 10.000 đồng chỉ còn 316, tức chưa đầy 20% toàn thị trường. Số cổ phiếu có giá trong khoảng 10.000 – 50.000, 50.000 – 100.000 hay trên 100.000 đồng đều tăng đáng kể, cả về số lượng lẫn tỷ trọng, so với 31/12/2020. Cổ phiếu lớn nhất vượt mệnh thành công là BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Từ mức 9.910 đồng/cp, sau một năm, BSR đã vươn lên 23.100 đồng/cp.

Hơn 11.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán Việt Nam năm 2021 thông qua các quỹ ETF: Năm 2021 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam cả về điểm số lẫn quy mô với hàng loạt kỷ lục bị xô đổ. Trong bức tranh rực rỡ của thị trường, điểm trừ đến từ giao dịch khối ngoại khi họ bán ròng kỷ lục 60.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lượng bán ròng trong năm trước. Mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh nhưng trong năm qua, dòng tiền lại có xu hướng đổ mạnh vào các quỹ ETF và phần lớn lượng vốn này đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê các quỹ ETF hiện diện trên thị trường Việt Nam năm qua đã hút ròng lượng vốn lên tới hơn 11.500 tỷ đồng. Trong đó, Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ ETF đến từ Đài Loan (Trung Quốc) dù mới thành lập nhưng đã trở thành quỹ hút vốn mạnh nhất thị trường với khoảng 417 triệu USD (khoảng 9.590 tỷ đồng)…

'Á quân' ngành điện chuẩn bị niêm yết HOSE với vốn hóa gần 2 tỷ USD: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có quyết định chấp thuận niêm yết đối với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3), tương đương vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng. Nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế sẽ kích thích sản lượng điện, nhóm cổ phiếu ngành điện được định giá cao hơn và thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Tính riêng trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu PGV đã tăng 47% lên thị giá 39.200 đồng/cp trên thị trường UPCoM. Với mức vốn hoá hiện đạt 44.039 tỷ đồng (1,92 tỷ USD), Genco 3 đang nằm trong top 50 cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện trên sàn. Genco 3 là nhà sản xuất điện quy mô lớn thứ hai cả nước, chỉ sau công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tổng công suất đạt 6.559 MW tại thời điểm cuối tháng 11. Sản lượng điện sản xuất năm 2020 chiếm 13,57% tổng sản lượng điện quốc gia.

Không công bố thông tin giao dịch, cổ đông SPI bị xử phạt: Ngày 29/12/2021, UBCKNN ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quách Đình Việt Anh số tiền 70 triệu đồng. Cụ thể, ngày 27/09/2019, ông Quách Đình Việt Anh đã thực hiện giao dịch mua 78.000 cp SPI của CTCP Spiral Galaxy (HNX: SPI), dẫn đến số lượng cổ phiếu (tỷ lệ) sở hữu tăng từ 785.000 cp (4,66%) lên 863.000 cp (5,13%) và trở thành cổ đông lớn của SPI. Tiếp đó, ngày 01/10/2019, ông Việt Anh đã thực hiện giao dịch bán 26.200 cp SPI, dẫn đến số lượng cổ phiếu (tỷ lệ) sở hữu giảm từ 863.000 cp (5,13%) xuống còn 836.800 cp (4,977%) và không còn là cổ đông lớn của SPI. Tuy nhiên, ông Việt Anh không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn.

Tiền vào lại cổ chứng khoán, rút khỏi cổ phiếu bất động sản - xây dựng: Trong tuần giao dịch dịch cuối năm 2021, thị trường ghi nhận thanh khoản sụt giảm đáng kể, ngược chiều với diễn biến điểm số. Dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong tuần qua. Tuy vậy, đà tăng thanh khoản của nhóm này cho thấy rõ sự suy yếu của dòng tiền. Chỉ có gần 10 mã có khối lượng giao dịch tăng bằng lần so với tuần trước trên cả 2 sàn. Mức tăng của các mã còn lại chỉ từ 30 - 70%. Chứng khoán là một trong những nhóm nổi bật thú hút được dòng tiền trong tuần qua. CTS, WSS, EVS, ART ghi nhận thanh khoản tăng từ 30 - 40% so với tuần trước. Giá cổ phiếu chứng khoán cũng có 1 tuần dậy sóng. CTS tăng tới gần 17% trong tuần qua. Cổ phiếu than cũng có 1 tuần tích cực. TVD, NBC, TC6 đều có mặt trong top tăng thanh khoản mạnh của sàn HNX. Các cổ phiếu này đều tăng trên 10%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản bị rút tiền mạnh trên sàn HOSE. HPX, HDC, TIP, LGL, VRC, BCM, TDH đều ghi nhận khối lượng giao dịch giảm trên 50%. Nhóm xây dựng sàn HNX cũng không mấy khá khẩm hơn. Phân nửa cổ phiếu giảm thanh khoản trên sàn HNX đến từ nhóm này. L18, C69, MST, VC7, VMS… ghi nhận thanh khoản giảm từ 40 - 55% so với trước....

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán