Thị trường chứng khoán ngày 28/6/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần từ 21-15/6; Alphanam bị phạt do báo cáo không đúng hạn; Quỹ tỷ USD của Dragon Capital liên tục tăng tiền mặt, gấp đôi đầu tháng 6; Công ty thép rời sàn sau khi cổ phiếu có sóng giá 5 lần;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 28/6/2021.

Quỹ tỷ USD của Dragon Capital liên tục tăng tiền mặt, gấp đôi đầu tháng 6: Báo cáo tuần của quỹ quy mô tỷ USD do Dragon Capital quản lý - Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) cho thấy quỹ ngoại này đã tăng tỷ trọng tiền mặt lên 1,81% tại ngày 17/6. Đây là tỷ lệ tiền mặt cao nhất trong quỹ này kể từ đầu tháng 4 trở lại đây. Theo thống kê kể từ đầu tháng 4 cho đến đầu tháng 6, quỹ VEIL thường xuyên duy trì tỷ trọng tiền mặt dưới ngưỡng 1%. Tại ngày 3/6, tỷ lệ này là 0,82%, lần lượt tăng lên 1,13% tại ngày 10/6 và 1,81% ngày 17/6. Tại ngày 17/6, quy mô danh mục (NAV) của quỹ VEIL là 2.444,18 triệu USD. Theo ước tính, quỹ ngoại này đã bán ròng khoảng 23,6 triệu USD (tương đương 550 tỷ đồng) để nâng tỷ trọng tiền mặt của quỹ.

Công ty thép rời sàn sau khi cổ phiếu có sóng giá 5 lần: HNX có thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng (Mã: DNS). Theo đó, 21,6 triệu cổ phiếu DNS sẽ hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 13/7, ngày giao dịch cuối cùng là 12/7. Theo thông báo, lý do hủy đăng ký giao dịch là Thép Đà Nẵng hủy tư cách công ty đại chúng. Trước khi rời sàn chứng khoán, cổ phiếu DNS có nhịp tăng giá mạnh hơn 5 lần từ 10.000 đồng/cp vào giữa tháng 4 lên mức đỉnh 56.400 đồng/cp tại ngày 7/5. Mặc dù có 11 phiên tăng kịch trần liên tiếp, cổ phiếu DNS chủ giao dịch với khối lượng dưới 30.000 đơn vị mỗi phiên. Tại phiên tạo đỉnh ngày 7/5, cổ phiếu này khớp lệnh 23.900 cp. Sau khi tạo đỉnh, cổ phiếu DNS liên tục giảm và mất hơn một nửa giá trị so với mức giá cao nhất. Đóng cửa phiên 25/6, giá mã này ở 22.500 đồng/cp.

Dragon Capital lại mua thêm 2,7 triệu cổ phiếu DXG: Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua thêm tổng cộng hơn 2,7 triệu cổ phiếu DXG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh trong ngày 24/6. Cụ thể, quỹ thành viên Amersham Industries Limited và CTBC Vietnam Equity Fund mua thêm lần lượt 900.000 và 500.000 cổ phiếu DXG. DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua 964.000 đơn vị đồng thời Norges Bank cũng gom thêm 349.100 cổ phiếu của Đất Xanh. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tăng từ 13,8% lên gần 14,4%, tương đương nắm giữ tổng cộng 74,5 triệu cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh. Tạm tính theo giá kết phiên 24/6 là 24.200 đồng/cp, Dragon Capital đã chi hơn 65 để mua lượng cổ phiếu trên.

Một cá nhân trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Đại Việt: Ngày 18/06, bà Trần Thị Bích Thùy thông báo đã mua gần 8,6 triệu cp của CTCP Chứng khoán Đại Việt (DVSC). Sau giao dịch, cá nhân này chính thức trở thành cổ đông lớn của DVSC với tỷ lệ sở hữu 34,39% (trước đó không sở hữu cổ phiếu nào). Ở chiều ngược lại, 4 cá nhân là bà Ngô Nguyễn Đoan Trang, ông Ngô Đức Trí, bà Đỗ Hoàng Linh và bà Lâm Hồng Trinh đồng loạt bán ra đúng bằng lượng cổ phiếu mà bà Thùy mua vào. Khả năng cao đây chính là thương vụ sang tay cổ phiếu DVSC của 4 cá nhân này cho bà Thùy.

Alphanam bị phạt do báo cáo không đúng hạn: Ngày 24/06/2020, Thanh tra UBCKNN có quyết định xử phạt CTCP Alphanam. Theo đó, Alphanam bị xử phạt 45 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch. Cụ thể, từ ngày 13/05-08/06/2020, Alphanam - tổ chức liên quan đến ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Alphanam E&C (HNX: AME) đăng ký mua gần 3,4 triệu cp AME nhưng không mua được. Tuy nhiên đến ngày 30/6/2020, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được báo cáo lý do không thực hiện được giao dịch của Alphanam.

Một cổ đông KSK bị phạt gần 100 triệu đồng vì vi phạm công bố thông tin: Ngày 22/06/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Vũ Hiếu với tổng số tiền 90 triệu đồng. Trong đó, ông Hiếu bị phạt 60 triệu đồng vì không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Cụ thể, ngày 08/01/2021, ông Hiếu đã mua gần 1,5 triệu cp của CTCP Khoáng sản luyện kim màu (UPCoM: KSK) dẫn đến khối lượng nắm giữ sau giao dịch tăng từ 0 cp lên gần 1,5 triệu cp (6,14%), trở thành cổ đông lớn của KSK nhưng không công bố thông tin. Ngoài ra, ông Hiếu còn bị phạt 30 triệu đồng vì không công bố thông tin khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần từ 21-15/6: Giao dịch của khối ngoại biến động có phần tiêu cực hơn trong tuần qua. Cụ thể, dòng vốn này mua vào hơn 146 triệu cổ phiếu, trị giá 7.523 tỷ đồng, trong khi bán ra đến hơn 191,4 triệu cổ phiếu, trị giá 8.650 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức hơn 45 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.127 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 566 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 26 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này bán ròng lên đến 903 tỷ đồng. Điểm tích cực trong giao dịch của khối ngoại sàn HoSE tuần qua là họ chỉ tập trung bán ròng ở phiên đầu tuần trong khi mua ròng ở cả 4 phiên còn lại. HPG tiếp tục là cái tên bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất sàn HoSE với giá trị 412 tỷ đồng. Tiếp sau đó, 2 mã NVL và VPB cũng bị bán ròng rất mạnh với giá trị lần lượt 385 tỷ đồng và 339 tỷ đồng.

Tự doanh CTCK bán ròng 3 tuần liên tiếp: Trong tuần từ 21-15/6, giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán diễn biến vẫn theo chiều hướng tiêu cực. Theo dữ liệu của FiinPro, dòng vốn này trong tuần qua mua vào 29,7 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, trong khi bán ra 36,9 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào ở mức 1.466 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra là 1.761 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 7,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 295 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của khối này với tổng giá trị 768 tỷ đồng.

Tuệ An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam 

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán