Thị trường chứng khoán ngày 25/11/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Pyn Elite Fund 'hô' VN-Index lên 2.500 điểm, lý giải vì sao mốc 1.800 điểm đã lỗi thời; Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vay 100 triệu USD cho vay margin; Viettel Construction rục rịch “chuyển nhà” lên HOSE;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 25/11/2021.

Khối ngoại bán ròng 933 tỷ đồng trong phiên 24/11, VPB là tâm điểm: Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trở lại khi mua vào 38,2 triệu cổ phiếu, trị giá 1.702 tỷ đồng, trong khi bán ra 62,9 triệu cổ phiếu, trị giá 2.635 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 25,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 933 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 972 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng 26,2 triệu cổ phiếu. VPB bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất với 292 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VCI cũng được mua ròng 130 tỷ đồng. Hai mã HPG và VIC cũng đều bị bán ròng hơn 100 tỷ đồng. Trong khi đó, STB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 101 tỷ đồng. CTG đứng sau với giá trị mua ròng 93 tỷ đồng.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vay 100 triệu USD cho vay margin: CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC - Mã: VCI) mới đây đã công bố ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) và quyền chọn mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.450 tỷ đồng). Khoản vay hợp vốn từ nhóm các ngân hàng hàng nước ngoài được thu xếp bởi Maybank Kim Eng Securities, cùng với Malayan Banking Berhad, chi nhánh Singapore - một trong các bên cho vay… Nguồn vốn vay trên sẽ được công ty chứng khoán phân bố vào các hoạt động của mảng dịch vụ môi giới chứng khoán và mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay margin, với mức chi phí và khối lượng cạnh tranh.

Pyn Elite Fund 'hô' VN-Index lên 2.500 điểm, lý giải vì sao mốc 1.800 điểm đã lỗi thời: Ông Petri Deryng, nhà quản lý danh mục của Pyn Elite Fund (Phần Lan) vừa có những đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đánh giá này, lãnh đạo quỹ Pyn nâng mục tiêu của VN-Index lên 2.500 điểm vào cuối năm 2024 với mức P/E tương ứng là 16,5 lần. Lý giải về việc nâng mục tiêu của VN-Index từ 1.800 điểm trong những báo cáo trước đó, ông Petri Deryng cho rằng ngưỡng mục tiêu trên được đặt ra ở thời điểm dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn yếu, lợi suất trái phiếu chính phủ là 8%. Thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng đều đặn hàng năm, điều này có nghĩa rủi ro trong nước đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống còn 2% và có thể dao độg trong khoảng 3 – 4% trong những năm tới. Những yếu tố này cho phép định giá cao hơn cho chứng khoán Việt Nam.

Viettel Construction rục rịch “chuyển nhà” lên HOSE: Ngày 18/11/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 92,9 triệu cp CTR lên HOSE của Viettel Construction, tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 929 tỷ đồng. Viettel Construction được thành lập 1995 là đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và cho thuê hạ tầng kỹ thuật, xây lắp mạng lưới viễn thông và dân dụng, vận hành khai thác mạng lưới viễn thông… Viettel Construction giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 31/10/2017 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 26.000 đồng/cp. Chốt phiên 24/11/2021, thị giá CTR đứng tại mốc 83.000 đồng/cp, gấp hơn 3,1 lần trong vòng hơn 4 năm. Tuy nhiên, so với đầu tháng 11/2021, giá cổ phiếu đã giảm 8%.

Bamboo Capital chốt ngày phát hành hơn 148 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cp: Ngày 23/11, CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đã công bố giấy chứng nhận đăng ký chào bán hơn 148,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp, bằng 43% so với giá cổ phiếu BCG chốt phiên 23/11 là 27.450 đồng/cp. Với mức giá này, ước tính số tiền tập đoàn thu về hơn 1.785 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 (tức cứ 100 cổ phiếu được quyền mua thêm 50 cổ phiếu mới). Ngày đăng ký cuối cùng là 7/12, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 6/12. Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ BCG dự kiến tăng từ 2.975 tỷ lên 4.463 tỷ đồng. BCG cho biết mục đích phát hành thêm nhằm nâng cao năng lực tài chính, đồng thời bổ sung nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vi phạm công bố thông tin, ASA bị xử phạt 100 triệu đồng: Ngày 23/11/2021, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASA (UPCoM: ASA). Cụ thể, ASA không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hệ thống công bố thông tin (CBTT) của UBCKNN đối với: BCTC năm 2017 đã kiểm toán, BCTC bán niên 2018 đã soát xét, BCTC quý 2/2018, quý 3/2018. Bên cạnh đó, Công ty CBTT không đúng thời hạn về tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2016, 2017, BCTC các quý từ năm 2016-2020, Báo cáo thường niên năm 2017, giải trình chênh lệch kết quả hoạt động kinh doanh trước và sau kiểm toán năm 2015, BCTC bán niên soát xét năm 2016… Do đó, ASA bị xử phạt số tiền 100 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

Cao su Phước Hòa (PHR) dự chi gần 610 tỷ đồng chia cổ tức: HĐQT CTCP Cao su Phước Hòa (PHR – sàn HOSE) vừa thống nhất chi trả cổ tức còn lại năm 2020 và tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt. Theo đó, Công ty sẽ trả cổ tức còn lại năm 2020 với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức được thực hiện trước ngày 15/12/2021. Đồng thời, Cao su Phước Hòa sẽ tạm ứng cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng, thời gian thực hiện trước ngày 20/12/2021. Như vậy, tổng mức chia cổ tức dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 12 tới đây là 45%. Và với tổng khối lượng chứng khoán đang niêm yết và lưu hành là 135,5 triệu cổ phiếu, Cao su Phước Hòa sẽ phải chi khoảng gần 610 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán