Thị trường chứng khoán ngày 23/3/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Một cổ phiếu tăng 195% trong hơn một tuần; Nhựa Đồng Nai dự kiến chi nghìn tỷ đồng để thâu tóm Công ty CMC; Dư mua giá trần hơn 32 triệu cổ phiếu FLC, trị giá 280 tỷ đồng;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 23/3/2021.

SMC điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận 2021 lên gần gấp đôi: Ngày 19/03, HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đã thông qua việc điều chỉnh tăng mục tiêu lãi sau thuế năm 2021 của toàn hệ thống lên thành 300 tỷ đồng. Trước đó, phía SMC chỉ đặt kế hoạch 2021 thận trọng với lãi sau thuế 160 tỷ đồng, giảm 49% so với kết quả 2020. Với kế hoạch mới có thể thấy SMC tiếp tục kỳ vọng một năm kinh doanh khả quan.

Nhựa Đồng Nai dự kiến chi nghìn tỷ đồng để thâu tóm Công ty CMC: CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX – Mã: DNP) vừa thông báo đăng ký mua 19 triệu cổ phiếu CVT của CTCP CMC, tương ứng tỷ lệ 51,78%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/3 đến 23/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Cùng với đó, CVT cũng đã gửi HOSE Nghị quyết ĐHĐCĐ 2021 của Công ty được tổ chức vào ngày 20/3, và cho thấy, Đại hội đã thông qua tờ trình để DNP mua trên 25% tổng số cổ phiếu CVT có quyền biểu quyết mà không cần phải thực hiện chào mua công khai. Như vậy, tạm tính với mức giá 47.900 đồng của cổ phiếu CVT, thì DNP sẽ chi khoảng hơn 910 tỷ đồng để mua vào 19 triệu cổ phiếu CVT như đã đăng ký.

Hai NĐT nữ chi hàng trăm tỷ mua hơn 35% vốn của PVM: Hai cá nhân vừa công bố mua vào hơn 35% vốn của Công ty Cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (Mã: PVM). Cụ thể, bà Nguyễn Anh Thu mua vào 6.535.100 cổ phiếu PVM trong phiên 17/3. Sau giao dịch, bà Thu nắm giữ 16,91% vốn điều lệ của PVM. Trước đó cá nhân này chưa từng nắm giữ cổ phần của công ty. Cùng ngày 17/3, bà Lê Thị Kiều Vân mua vào 7 triệu cổ PVM, tương đương 18,12% vốn điều lệ của Máy - Thiết bị Dầu khí.

Dư mua giá trần hơn 32 triệu cổ phiếu FLC, trị giá 280 tỷ: Trong phiên 22/3, cổ phiếu Tập đoàn FLC và CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) vượt trội hơn hẳn so với thị trường chung khi đều tăng kịch trần với thanh khoản lớn. Tổng khối lượng cổ phiếu FLC khớp lệnh trong phiên là xấp xỉ 49 triệu đơn vị, tương đương 389 tỷ đồng, trong đó có 7,7 triệu đơn vị khớp giá trần. Khi thị trường đóng cửa, vẫn còn 32,8 triệu cổ phiếu FLC được các nhà đầu tư đặt mua giá trần 8.580 đồng/cp nhưng không khớp, giá trị khoảng 280 tỷ đồng. Thanh khoản cổ phiếu ROS trong ngày cũng lên tới gần 45 triệu đơn vị, dư mua trần cuối phiên là gần 370.000 cổ phiếu.

An Phát Holdings muốn huy động 450 tỷ đồng trái phiếu: Ngày 19/3, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 450 tỷ đồng trái phiếu. Chi tiết về lô trái phiếu dự kiến phát hành chưa được công ty công bố. Về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, An Phát Holdings đã xin gia hạn thời gian tổ chức đại hội không trễ hơn ngày 30/6. Lý do đưa ra là để công ty có thêm thời gian chuẩn bị tài liệu và công tác tổ chức được chu đáo.

Một cổ phiếu tăng 195% trong hơn một tuần: Kết phiên 22/3, cổ phiếu HFC của CTCP Xăng dầu HFC (UPCoM: HFC) có giá 19.200 đồng/cp, tăng trần phiên thứ 8 liên tiếp, cao hơn 195%. Thanh khoản cổ phiếu dao động 100-520 đơn vị mỗi phiên. Cá biệt, ngày 22/3, hơn 1.811 cổ phiếu giao dịch và ngày 18/3, hơn 1.000 đơn vị được trao tay. Xăng dầu HFC có vốn điều lệ 64,5 tỷ đồng có 2 cổ đông lớn nắm giữ gần 24% vốn gồm Công ty Xăng dầu Khu vực I nắm 14,74% vốn và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hậu giữ 9,25% vốn tính đến cuối năm 2019. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán nhiên liệu rắn, lỏng, than đá, xăng dầu, dầu nhờn… trên địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An.

Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 450 tỷ đồng trong phiên 22/3: Khối ngoại giao dịch không qua tiêu cực so với phiên trước nhưng vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 49 triệu cổ phiếu, trị giá 1.293,4 tỷ đồng, trong khi bán ra 56 triệu cổ phiếu, trị giá 1.735 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 451 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 22 liên tiếp với giá trị giảm 59% so với phiên trước và ở mức gần 466 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 7,5 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 22 phiên giao dịch vừa qua, dòng vốn này bán ròng lên đến 12.825 tỷ đồng ở sàn HoSE.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (link gốc)

Theo: