Thị trường chứng khoán ngày 15/8/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Vắng dòng dẫn dắt, VN-Index tăng điểm dè dặt; Khối ngoại trở lại với đà bán ròng mạnh; Phó chủ tịch TVS đăng ký mua gần 6 triệu cổ phiếu;.... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 15/8/2023.

Vắng dòng dẫn dắt, VN-Index tăng điểm dè dặt: Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index tăng 4,63 điểm (+0,38%), lên mức 1.236,84 điểm; trong khi đó HNX-Index bật tăng mạnh mẽ lên mức 250,44 điểm, tăng 5,19 điểm (+2,12%). Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 562 mã tăng và 282 mã giảm. Rổ VN30 phân hóa mạnh với 17 mã tăng, 11 mã giảm và 2 mã tham chiếu. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức dồi dào. Khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị 23,5 nghìn tỷ đồng. HNX-Index cũng có thanh khoản cao với khối lượng giao dịch đạt hơn 135 triệu cổ phiếu, tương đương 2,4 nghìn tỷ đồng.

Tâm lý thận trọng chi phối cùng với sự vắng bóng cổ phiếu dẫn dắt là nguyên nhân khiến cho thị trường tăng điểm khá dè dặt, VN-Index giao dịch lình xình với mức tăng chỉ quanh 5 điểm. Chỉ số khó bứt phá do áp lực điều chỉnh của các mã VCB (-1,55%), MSN (-2,72%) và GAS (-0,89%). Ngược lại, sắc xanh của các mã BID (+1,93%), VIC (+0,96%), HPG (+1,62%) và GVR (+2,13%) duy trì nhịp tăng nhẹ cho VN-Index.

Thị trường chứng khoán ngày 15/8/2023: Thông tin trước giờ mở cửa
Ảnh minh họa

Khối ngoại trở lại với đà bán ròng mạnh: Khối ngoại đã có phiên bán ròng tới 975 tỷ đồng trong ngày đầu tuần, trong đó tâm điểm xả bán là các cổ phiếu bluechip như MSN, BVH, VHM, VCB...Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 14/8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 29,54 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 975,42 tỷ đồng, tăng 93,96% về lượng và tăng gấp hơn 11 lần về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 11/8 (bán ròng 78,74 tỷ đồng). Trong phiên hôm nay, cổ phiếu HPG vẫn được mua ròng mạnh nhất với khối lượng đạt 3,84 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 108,52 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MSN bị bán ròng mạnh nhất đạt 116,53 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 1,4 triệu đơn vị.

Y tế Việt Mỹ thoái toàn bộ vốn tại công ty con ở Lạng Sơn: Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (mã chứng khoán AMV - sàn HNX) mới thông qua chủ trương thoái vốn tại công ty con Công ty CP Phát triển công nghệ Lạng Sơn Kyoto. Theo kế hoạch, Y tế Việt Mỹ sẽ chuyển nhượng hơn 4,95 triệu cổ phần, chiếm 99% tổng vốn điều lệ tại Công ty CP Phát triển công nghệ Lạng Sơn Kyoto. Hình thức thoái vốn sẽ là chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần góp vốn. Giá trị chuyển nhượng tối thiểu sẽ là 49,5 tỷ đồng. Công ty CP Phát triển công nghệ Lạng Sơn Kyoto được thành lập vào năm 2021 có trụ sở tại lô M3, Cụm công nghiệp địa phương số 2, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế, vật phẩm và hoá chất xét nghiệm y tế. Trong suốt 2 năm hoạt động là 2021 và 2022, Công ty này báo lỗ trước thuế lần lượt 3,9 triệu đồng và 180,5 triệu đồng.

Phó chủ tịch TVS đăng ký mua gần 6 triệu cổ phiếu: Bà Đinh Thị Hoa, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (HOSE: TVS) đăng ký mua 5.865.236 cổ phiếu TVS theo phương thức thỏa thuận. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 17/8 đến ngày 15/9 và nếu thành công, bà Hoa sẽ nâng sở hữu tại Chứng khoán Thiên Việt từ gần 7,52 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,97% lên hơn 13,38 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,84%. Trên thị trường, cổ phiếu TVS đã có diễn biến tăng khá ấn tượng trong hơn 2 tháng qua và mới xác lập mức giá cao nhất trong năm nay tại 25.300 đồng/CP khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7. Sau đó cổ phiếu TVS đã rung lắc và điều chỉnh giảm. Phiên giao dịch ngày 14/8 là phiên hồi phục tốt nhất của TVS trong hơn nửa tháng qua khi đóng cửa tăng 3,25% lên mức 23.850 đồng/CP.

May mặc Bình Dương chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền: Công ty CP May mặc Bình Dương (UPCOM: BDG) mới thông báo ngày 21/8 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2022. Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 30% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 3.000 đồng). Thời gian thanh toán vào ngày 28/08. Với gần 24,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính May mặc Bình Dương sẽ chi khoảng 74,4 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này cho cổ đông. Hiện hai cổ đông lớn nhất của Công ty là Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương sở hữu hơn 11,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 47,71% và Công ty TNHH Thương mại Việt Vương sở hữu gần 9,68 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 39,02% sẽ nhận về tương ứng 35 tỷ đồng và 29 tỷ đồng cổ tức từ BDG.

DPM tiếp tục chi gần 1.200 tỷ đồng chia cổ tức năm 2022: Ngày 23/8 tới đây, Công ty CP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (HOSE: DPM) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tức 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.000 đồng. Như vậy, với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Phân bón và Hoá chất Dầu khí sẽ phải chi khoảng 1.173 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 31/8/2023. Trước đó vào cuối tháng 3/2023, Công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2022 qua 2 đợt là 70%, đúng như kế hoạch Công ty đã thông qua tại ĐHCĐ bất thường diễn ra hồi tháng 12/2022, nhưng tăng tới 40% so với kế hoạch ban đầu là 50%.

Khối ngoại trở lại với đà bán ròng mạnh phiên 14/8, tâm điểm các mã cổ phiếu bluechip

Phiên giao dịch ngày 14/8, khối ngoại đã có phiên bán ròng tới 975 tỷ đồng, trong đó tâm điểm xả bán là các cổ ...

Phiên giao dịch ngày 15/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Nhận định chứng khoán ngày 15/8: Đà tăng có thể sẽ không bền

Theo Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI, chỉ số tạm thời đang duy trì với mốc hỗ trợ ngắn ở đường bình quân ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán