Thị trường chứng khoán ngày 13/9/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Cổ phiếu FDC ra khỏi diện cảnh báo từ 13/09; Một cổ phiếu tăng trần 10 phiên dù công ty gần như không có doanh thu, lỗ quá nửa vốn điều lệ; Cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng hơn 4.600 tỷ đồng tuần qua;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 13/9/2021.

Một cổ phiếu tăng trần 10 phiên dù công ty gần như không có doanh thu, lỗ quá nửa vốn điều lệ: Trên sàn HNX, cổ phiếu PTG của CTCP PGT Holdings gây ấn tượng khi đã liên tục tăng kịch trần từ ngày 26/8 - 10/9. Như vậy chỉ sau 2 tuần giao dịch, thị giá cổ phiếu PGT đã tăng thêm 148%, từ 5.000 đồng/cp lên mức giá 12.400 đồng. Thông tin về hoạt động kinh doanh, hiện PGT chưa công bố báo cáo tài chính soát xét đến thời điểm 30/6/2021. Căn cứ số liệu từ báo cáo hợp nhất, công ty ghi nhận doanh thu thuần "vỏn vẹn" 1,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 78% so với năm 2020. Sau khi khấu trừ các chi phí, khoản lãi ròng sau 6 tháng đầu năm là 437 triệu đồng, chỉ bằng 6% so với con số thực hiện cùng kỳ… Kết quả kinh doanh thua lỗ từ những năm trước khiến PGT lỗ lũy kế hơn 57,2 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý II. Dù đã ghi nhận lãi trong kỳ, tính đến cuối tháng 6, công ty lỗ lũy kế 56,4 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty (92 tỷ đồng).

Khối ngoại bán ròng 5 tuần liên tiếp trên HOSE, VHM bị “xả” tới 1.822 tỷ đồng: Khối tiếp tục có một tuần giao dịch tiêu cực khi mua vào 178 triệu cổ phiếu, trị giá 7.629 tỷ đồng, trong khi bán ra 220 triệu cổ phiếu, trị giá 10.748 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 42 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.120 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị gấp 2,4 lần tuần trước đó và ở mức 2.863 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 28,4 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 5 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 12.919 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HoSE bán ròng tập trung mã VHM với giá trị lên đến 1.822 tỷ đồng. SSI và VIC đều bị bán ròng trên 400 tỷ đồng. VNM và MSN cũng bị bán ròng lần lượt 352 tỷ đồng và 196 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng hơn 4.600 tỷ đồng tuần qua: Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mang đậm dấu ấn trong tuần giao dịch vừa qua khi duy trì trạng thái mua ròng trong khi tổ chức trong nước cùng khối ngoại đều bán ròng mạnh. Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân trong nước trong tuần từ 6-10/9 tiếp tục mua ròng 4.619 tỷ đồng, gấp đôi so với tuần trước đó. Nếu tính về khớp lệnh thì dòng vốn này cũng mua ròng 4.286 tỷ đồng, gấp 2,3 lần tuần trước. Cá nhân trong nước mua ròng rất mạnh mã VHM với giá trị lên đến 3.375 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VIC với 459 tỷ đồng. SSI và VNM cũng được mua ròng lần lượt 363 và 260 tỷ đồng. Trong khi đó, APH bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 329 tỷ đồng. HSG đứng sau với giá trị bán ròng là 227 tỷ đồng. Các mã gồm VPI, VND, CTG và VCB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

V.N.M ETF thêm mới THD, DGC, KDC, DIG, VND cùng 4 cổ phiếu Việt Nam khác vào danh mục kỳ quý III:Rạng sáng ngày 11/9 (giờ Việt Nam), tổ chức MV Index Solutions (MVIS) chính thức công bố kết quả kỳ cơ cấu danh mục quý III của chỉ số MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF). Theo đó, quỹ này thêm mới 9 cổ phiếu Việt Nam gồm THD của Thaiholdings, SAB của Sabeco, DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, KDC của Tập đoàn Kido, DIG của DIC Corp, VND của VNDirect, DPM của Phân bón và Hóa chất Dầu khí, PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.

Cổ đông Nhật Bản chỉ mua 1/3 số cổ phần Petrolimex đã đăng ký: Tập đoàn dầu khí Eneos Corporation đến từ Nhật Bản vừa thông báo đã mua 2,7 triệu cổ phiếu PLX tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong thời gian từ 6/8 đến 3/9 theo phương thức khớp lệnh. Trước đó, Eneos đăng ký mua tới 8 triệu đơn vị. Lý do không giao dịch hết số lượng dự kiến là "thị trường biến động bất thường". Trong một tháng gần đây, PLX dao động quanh ngưỡng 50.000 đồng/cp, ước tính Eneos đã chi khoảng 135 tỷ đồng để tăng sở hữu tại Petrolimex. Hiện nay Eneos Corporation và công ty con đang nắm giữ tổng cộng hơn 169,2 triệu đơn vị PLX, tương đương 13,08% vốn. Cũng trong thời gian từ 6/8 đến 3/9, Petrolimex đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu quỹ nhưng thực tế chỉ bán 1,78 triệu đơn vị, thu về khoảng 89 tỷ đồng.

HOSE duy trì diện cảnh báo cổ phiếu HNG của HAGL Agrico: Ngày 7/9/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã nhận được BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2021 của HAGL Agrico. Theo đó, công ty lỗ ròng gần 123 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công ty báo lãi hơn 11 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6 là 2.428 tỷ đồng. Do vậy, HOSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu HNG theo Quyết định số 503/QĐ-SGDHCM ngày 03/09/2020 và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo sau khi HAGL Agrico có BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021. Trước đó vào ngày 9/3/2020, HOSE đã ra Quyết định số 503/QĐ-SGDHCM chuyển cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo. Lý do bởi công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 là 11,09 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2020 là 2.312,96 tỷ đồng.

Cổ phiếu FDC ra khỏi diện cảnh báo từ 13/09: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: FDC) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 13/09. Cổ phiếu FDC bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 20/04/2021 do Công ty lỗ ròng gần 26 tỷ đồng trong năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, FDC lãi ròng gần 16 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2021 dương trở lại với gần 11 tỷ đồng. Với lý do này, HOSE quyết định đưa cổ phiếu FDC ra khỏi diện cảnh báo.

VNDirect không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn CIENCO4: Trong ngày 31/08/2021, CTCP Chứng khoán VNDIRECT đã bán 3 triệu cp C4G của CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G). Sau giao dịch, VNDirect chính thức không còn là cổ đông lớn tại C4G sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 7,54% (gần 8 triệu cp) xuống còn 4,71% (gần 5 triệu cp). Đáng chú ý, trong phiên 31/08, C4G ghi nhận đúng 3 triệu cp được thỏa thuận trên sàn với giá trị 30,6 tỷ đồng. Như vậy, khả năng cao VNDirect đã thực hiện sang tay cổ phiếu C4G theo phương thức thỏa thuận.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục