Thị trường chứng khoán ngày 13/12/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) PTL muốn hủy niêm yết tự nguyện; VNM ETF thêm mới ITA, IDC, KDH, VHC và VPI trong kỳ cơ cấu quý IV; Vinachem có thể thu gần 1.500 tỷ đồng từ việc thoái vốn Hoá chất Đức Giang;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 13/12/2021.

VNM ETF thêm mới ITA, IDC, KDH, VHC và VPI trong kỳ cơ cấu quý IV: Rạng sáng 11/12 theo giờ Việt Nam, MVIS vừa công bố kết quả review định kỳ quý IV/2021 đối với MVIS Vietnam Index. Đây là chỉ số tham chiếu của quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF). Tại ngày 10/12, quy mô tài sản quỹ VNM ETF đang đạt 576,7 triệu USD. Trong kỳ cơ cấu lần này, MVIS Vietnam Index thêm mới 5 cổ phiếu Việt Nam, gồm: ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, IDC của Tổng Công ty IDICO - CTCP, VHC của CTCP Vĩnh Hoàn và KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền. Ở chiều ngược lại, không có mã nào bị loại khỏi danh mục. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu trong danh mục nâng lên con số 50, trong đó Việt Nam đóng góp tới 36 mã. Trong đó, hai mã "họ" Vingroup gồm VIC và VHM tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng với 8%.

Chính thức ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX): Ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức được ra mắt. Quyết định 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Được biết, sau khi Quyết định 37 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/2/2021, VNX đã bắt tay vào công tác chuẩn bị về bộ máy, quy chế, quy trình hoạt động. Đến ngày 25/3/2021, VNX đã có những nhân sự quản lý đầu tiên và sang tháng 4, Sở đã hoàn thiện điều lệ hoạt động của mình…

PTL muốn hủy niêm yết tự nguyện: Ngày 24/12 tới, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) sẽ chốt danh sách cổ đông dự ĐHĐCĐ bất thường 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2022. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là tờ trình về chủ trương hủy niêm yết tự nguyện đối với cổ phiếu PTL. Mặc dù chuẩn bị hủy niêm yết nhưng giá cổ phiếu PTL vẫn đang ở vùng đỉnh lịch sử sau hơn 1 tháng tăng trưởng. Đà tăng của cổ phiếu PTL bắt đầu từ phiên tăng trần ngày 08/11. Dù xen kẽ là những phiên giảm sàn nhưng kết phiên 10/12, giá cổ phiếu PTL đã tăng hơn 88%, lên 15.050 đồng/cp.

Không đăng ký chào mua công khai, cổ đông LCS bị xử phạt 100 triệu đồng: Ngày 08/12/2021, UBCKNN ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Dương Văn Việt số tiền 100 triệu đồng. Cụ thể, ngày 20/05/2019, ông Dương Văn Việt đã thực hiện giao dịch mua hơn 3,5 triệu cp LCS của CTCP Licogi 166 (HNX: LCS) dẫn đến khối lượng cổ phiếu LCS do ông Dương Văn Việt sở hữu tăng từ 0 cp lên hơn 3,5 triệu cp, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 0% lên 46,42% (lớn hơn 25%). Tuy nhiên, ông Dương Văn Việt không thực hiện đăng ký chào mua công khai với UBCKNN. Ngoài việc bị phạt tiền 100 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc ông Việt từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và phải chuyển nhượng số cổ phần đó để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 25% số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đại chúng trong thời hạn tối đa 6 tháng quy định…

Khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 tuần bán ròng liên tiếp trên HoSE: Thị trường chứng khoán hồi phục trở lại trong tuần giao dịch từ 6-10/12. Điểm tích cực của thị trường ở tuần qua là dòng vốn ngoại giao dịch tích cực trở lại. Cụ thể, khối ngoại trên toàn thị trường mua vào 158 triệu cổ phiếu, trị giá 6.860 tỷ đồng, trong khi bán ra 153 triệu cổ phiếu, trị giá 6.499 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 4,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 361 tỷ đồng. Tại sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 372 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 5,3 triệu cổ phiếu. Các vị trí dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HoSE thuộc về ba cổ phiếu họ "Vin" là VHM, VRE và VIC. Trong khi đó, HPG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 314 tỷ đồng. TCH đứng sau và bị bán ròng 224 tỷ đồng. NVL, HDG và VPB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng - công ty kinh doanh gỗ của Bamboo Capital muốn giao dịch trên UPCoM: Ngày 10/12, CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng, thành viên của CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, trong đó đáng chú ý là kế hoạch đăng ký đại chúng và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Nguyễn Hoàng được thành lập năm 2000 và được BCG M&A vào năm 2015. Công ty đang đặt trụ sở tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tính đến 30/9, BCG đang nắm tỷ lệ kiểm soát tại Nguyễn Hoàng là 69,83%. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ tại khu vực miền Trung. Tính đến ngày 26/11/2021, Nguyễn Hoàng có 145 cổ đông, vốn điều lệ 400 tỷ đồng.

Vinachem có thể thu gần 1.500 tỷ đồng từ việc thoái vốn Hoá chất Đức Giang: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa thông báo đã thoái hơn 9,1 triệu cp DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) trong tổng 15,1 triệu cổ phiếu đăng ký. Giao dịch được thực hiện theo hình thức khớp lệnh từ ngày 8/11 đến 7/12. Nguyên nhân không thực hiện hết giao dịch do thị trường chứng khoán biến động mạnh. Sau giao dịch, tập đoàn còn sở hữu hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, tương ứng 3,53% vốn Hóa chất Đức Giang. Kể từ đầu năm đến nay, giá cp DGC đã tăng mạnh từ vùng 40.000 đồng/cp và vượt lên 170.000 đồng/cp, tức gấp hơn 4 lần giữa thông tin Vinachem dự kiến thoái hết vốn tại Hóa chất Đức Giang. Khoảng thời gian từ 8/11 đến 7/12, giá DGC dao động quanh vùng 160.000 - 170.000 đồng/cp. Tạm tính với giá chốt phiên 7/12 là 164.200 đồng/cp, ước tính Vinachem đã thu về gần 1.500 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm thoái vốn trước đó được công bố là 152.100 đồng/cp.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán