Thị trường bất động sản thế giới có dấu hiệu phục hồi; nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục

(Banker.vn) Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá bất động sản trên toàn cầu có dấu hiệu phục hồi.
Đại hội Bất động sản toàn cầu "The Passport" sắp diễn ra tại Việt Nam Bình Dương: Bắt Giám đốc Công ty bất động sản Bảo An Group vì lừa đảo Những tỉnh sẽ có bất động sản công nghiệp khởi sắc trong năm 2024

Thị trường bất động sản thế giới có dấu hiệu phục hồi

Cụ thể, tại 37 quốc gia thành viên OECD, trong quý III/2023, giá nhà danh nghĩa đã tăng 2,1% so với quý trước đó, trái ngược với mức gần như trì trệ vào đầu năm ngoái. Động thái này khiến các nhà kinh tế dự đoán rằng đợt suy giảm bất động sản sâu nhất trong một thập kỷ đã đến bước ngoặt thay đổi.

Bat dong san
(Ảnh minh họa)

Ông Andrew Wishart, nhà kinh tế bất động sản của Capital Economics cho rằng, số liệu gần đây nhất cho thấy giá nhà đã chạm đáy ở hầu hết các quốc gia. Giá nhà đã chịu ảnh hưởng vào cuối năm 2022 sau khi ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ để kiềm chế lạm phát.

Ở các nước OECD, giá nhà chỉ tăng 0,6% theo quý vào cuối năm 2022, tỷ lệ danh nghĩa thấp nhất kể từ năm 2012. Tuy nhiên, tình trạng trên đã giảm bớt hoặc thậm chí đảo ngược ở nhiều nền kinh tế do kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm chi phí vay trong năm nay.

Nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục

Trong báo cáo “Giám sát nợ toàn cầu” vừa công bố mới đây, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, nợ toàn cầu đã tăng thêm 15 nghìn tỷ USD vào năm 2023, nâng tổng số nợ lên mức cao kỷ lục là 313 nghìn tỷ USD.

Báo cáo cho biết tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các thị trường mới nổi đã đạt mức cao mới vào năm ngoái, với mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, Argentina, Trung Quốc, Nga, Malaysia và Saudi Arabia.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu vay vốn đang tăng lên trong năm nay, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, khi khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế tăng lên. Tình trạng phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc, xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể dẫn đến những thay đổi thường xuyên và đột ngột hơn trong tâm lý rủi ro toàn cầu.

Ngoài ra, IIF cảnh báo bất kỳ sự leo thang nào của những rủi ro này đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương về nợ.

Tuy nhiên, IIF chỉ ra, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Thái Lan tính đến quý IV/2023 là 91,6% - mức cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tổng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính của Thái Lan là 86,2%, trong khi nợ chính phủ (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước) lên tới 54,2% và khu vực tài chính là 32,8%.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục