Thêm cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ từ doanh nghiệp Áo

(Banker.vn) Áo là quốc gia có nhiều thế mạnh về công nghệ và cơ sở hạ tầng, trong khi đó đây lại là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất có nhu cầu phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc song phương với Bộ trưởng Năng lượng và cơ sở hạ tầng UAE Tiếp cận điện năng đứng đầu chỉ số cơ sở hạ tầng trong xếp hạng PCI 2022

Triển vọng hợp tác nhiều lĩnh vực

Chiều 17/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Áo và Phòng Kinh tế Liên bang Áo tổ chức Diễn đàn Hợp tác Áo - Việt Nam về lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, Việt Nam và Áo có cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ. Các nhà đầu tư Áo hiện cũng đang rất quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực này của Việt Nam.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ từ doanh nghiệp Áo
Cộng hòa Áo đang nằm trong nhóm đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 2,8 tỷ USD

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Trải qua hơn nửa thế kỷ (1972-2023), hiện Cộng hòa Áo đang nằm trong nhóm đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU (Liên minh châu Âu) với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 2,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Áo đạt gần 2,5 tỷ USD và nhập khẩu từ Áo hơn 300 triệu USD.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng lên hơn 11% ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi. Năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Điều này chắc chắn sẽ tạo “cú huých” mạnh mẽ cho xuất khẩu, đặc biệt với các nhóm hàng trọng điểm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như: Nông nghiệp, dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Áo nói riêng cũng như EU nói chung và Việt Nam và Áo nói riêng.

Ngoài thương mại, hợp tác Việt Nam – Áo những năm qua cũng mở rộng sang các lĩnh vực khoa học-công nghệ, văn hóa, hợp tác phát triển. Hai nước vẫn còn nhiều triển vọng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: Công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề, du lịch, nông nghiệp, các giải pháp giao thông đô thị bền vững và chăm sóc sức khỏe.

Năm 2022, Việt Nam có quy mô GDP 409 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Dự báo trong 10 năm tới GDP Việt Nam sẽ vượt trên 1.000 tỷ USD.

Việt Nam có môi trường đầu tư, kinh doanh mở hàng đầu thế giới, với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã được ký kết, trong đó có EVFTA. Cùng với các lợi thế về ổn định chính trị; nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cai; hạ tầng giao thông và chuyển đổi số đang nâng cấp rất nhanh, Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư FDI.

Đến nay theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có các doanh nghiệp đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 440 tỷ USD. Sau đại dịch Covid-19, hiện các tập đoàn hàng đầu thế giới liên tục đầu tư rất mạnh vào Việt Nam như: LG, Samsung, Intel, LEGO...

Thêm cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ từ doanh nghiệp Áo
Triển vọng để Việt Nam thu hút đầu tư từ Áo vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất lớn

Điểm nhấn là công nghệ và cơ sở hạ tầng

Chia sẻ về triển vọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030, Việt Nam luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế. Về quy hoạch xây dựng quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị cũng xác định vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng trong phát triển đô thị tại Việt Nam trong thời gian tới đây.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong giai đoạn 2030-2045 là phát triển hạ tầng hiện đại, liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nguồn lực đầu tư diện rộng để hoàn thiện hạ tầng số, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện hạ tầng đô thị, hạ tầng thông minh tập trung vào những lĩnh vực như công nghệ thông tin, giao thông, xử lý nước thải… giúp giải quyết các vấn đề đô thị.

Trên cở nhũng phân tích trên, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhận định: Áo là quốc gia có thế mạnh về phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng, trong khi đó đây lại là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cơ hội hợp tác hai nước trong lĩnh vực này đang rất lớn.

Đặc biệt, “Hiện nay tình hình dịch bệnh đã ổn định, Việt Nam và thế giới đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt các doanh nghiệp Áo nên tận dụng. Chúng tôi khuyến khích các bạn đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này” – ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Đánh giá cao về tiềm năng đầu tư tại thị trường Việt Nam, trong đó có đầu tư trong lĩnh vực cơ cở hạ tầng và công nghệ, ông Alexander Schallenberg - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo cho rẳng, Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng của nhiều nhà đầu tư Áo.

Trong khi đó, ông Tino Terraneo – Giám đốc Điều hành Công ty ATC Austrian Technology (Aó) cũng đánh giá, với những lợi thế về thể chế chính trị ổn định, khung pháp lý rõ ràng, Việt Nam là một thị trường đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp áo trong thời gian tới.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương