Thế Giới Di Động bất ngờ quay lại mảng thương mại điện tử

(Banker.vn) Thế Giới Di Động vừa mở lại trang thương mại điện tử Vuivui.com trong bối cảnh thị trường này dần khởi sắc sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thị trường mua theo nhóm ở Trung Quốc đã... hết thời?

Quy định mới về thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức nước ngoài

Trang thương mại điện tử Vuivui vừa được Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) mở trở lại, và được xem là dự án thương mại điện tử đầu tiên trong năm 2022 của tập đoàn bán lẻ này.

Website hiện chưa có thông tin sản phẩm, mới chỉ có các thông tin kêu gọi hợp tác bán hàng và tuyển dụng. Dự án sẽ được ra mắt trong năm 2022 này.

4824-thegioididong

Vuivui là nền tảng thương mại điện tử được Thế giới Di Động phát triển từ năm 2016 và chính thức bán hàng từ năm 2017. Chủ tịch Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài từng cho rằng, VuiVui sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Công ty từng tham vọng Vui vui sẽ đạt truy cập 200.000 lượt/ngày vào cuối 2017.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoạt động trang thương mại điện tử Vuivui đã đóng cửa từ cuối tháng 11/2018. Website Vuivui sau đó đã tự động chuyển sang trang bán hàng của Bách hoá Xanh - một website khác của đơn vị thành viên Thế Giới Di Động bán các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm.

4826-thegioididong1
Thế Giới Di Động từng đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui hồi tháng 11/2018

Lần này, dự án Vuivui xuất hiện với một diện mạo mới, trên nền màu hồng (trước đây là màu cam). Mục tiêu ghi rõ: Nơi kết nối người mua và người bán uy tín. Cổng thông tin này đang cho phép liên hệ hợp tác phát triển nhiều ngành hàng, gồm: điện tử gia dụng, sức khỏe, mẹ và bé, nhà cửa, cây cảnh, xe, sách, đồ tươi sống, voucher...

Việc quay lại thị trường thương mại điện tử cho thấy ban lãnh đạo Thế Giới Di Động không muốn đứng ngoài cuộc chơi này. Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company công bố cho thấy, thương mại điện tử năm 2021 tăng trưởng tới 53%, chủ yếu do người dân phải ở nhà trong giai đoạn giãn cách nên phải mua sắm online. Nhờ mức tăng trưởng này, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ​tăng trưởng khoảng 31% lên 21 tỷ USD và có khả năng tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Quy mô thị trường và mức tăng ấn tượng như vậy rõ ràng thu hút nhiều tay chơi hơn, trong bối cảnh Thế Giới Di Động đã vận hành khá trơn tru mảng online của Bách hoá Xanh, trước đó là các website thegioididong.com và dienmayxanh.com. Hiện nay, 2 trong 3 website của Thế Giới Di Động đang đứng thứ hai về lượng truy cập của các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, chỉ sau Shopee. Trong khi đó, Bách hoá Xanh cũng nằm trong nhóm được truy cập hàng đầu (theo iPrice).

4914-thegioididong2
Một dự án Thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Thế giới Di động sẽ ra mắt trong năm 2022

Cùng với đó, doanh thu online của tập đoàn này năm 2021 đạt 14.370 tỷ đồng (tăng 53% so với 2020). Với kết quả này, công ty tự đánh giá có doanh số lớn nhất trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.

Theo kết quả kinh doanh mùa Tết (tháng 1,2) năm 2022, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất 2 tháng đầu là 25.383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu online đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong 2 tháng, tăng 150% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động từ trước đến nay.

Được biết, Vuivui.com ra mắt vào tháng 1/2018, là trang thương mại điện tử đa ngành của Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, khi đó cho biết vuivui.com là một công ty khởi nghiệp, và khẳng định Vuivui sẽ vượt Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trong 5-7 năm nữa kể từ thời điểm ra mắt, có lúc ông nói thời điểm vượt có thể trong 3-5 năm tới từ thời điểm đó.

Sản phẩm khởi nghiệp này sinh ra trong bối cảnh ngành bán hàng qua mạng cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt tên tuổi đã ra đi, chỉ còn trụ lại những doanh nghiệp lớn có sự giúp sức của dòng vốn nước ngoài.

Theo công ty nghiên cứu thị trường iPrice, hai website thegioididong.com và dienmayxanh.com đang chiếm hai vị trí thứ 2 và 3 trong số các trang thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam.

Linh Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán