Thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 50%

(Banker.vn) Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Năm 2023, đã có gần 11 tỷ giao dịch, đạt hơn 200 triệu tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế: Thanh toán không dùng tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả Hà Nội phát động thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới nền kinh tế số Chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống Bưu điện: Những tín hiệu tích cực

Thói quen của giới trẻ

Từ chỗ xa lạ cách đây không lâu, các hình thức thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước. Với hình thức thanh toán đa dạng (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, ví điện tử…), giới trẻ có thể thanh toán cho các nhu cầu thiết yếu như: điện, nước, cước phí điện thoại, vé xe/tàu/máy bay, nộp học phí, mua xăng, mua hàng trong siêu thị/cửa hàng tiện lợi, mua hàng qua mạng… một cách nhanh chóng và tiện lợi.

“Tôi hay quét QR Code để thanh toán cho các nhu cầu cá nhân vì tiện lợi hơn nhiều so với thanh toán bằng tiền mặt. Ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại giúp tôi quản lý được chi tiêu khi có thể dễ dàng xem lại lịch sử giao dịch. Phương thức thanh toán này cũng an toàn hơn khi tôi không phải mở ví để lấy tiền, tránh trường hợp vô tình làm rơi tiền hoặc tệ hơn là bị cướp giật”, Thu Phương, sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ.

Thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 50%
Từ chỗ xa lạ cách đây không lâu, các hình thức thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen với giới trẻ

Tại những điểm buôn bán nhỏ lẻ như quán trà đá, xe bán bánh mì, đồ ăn vặt rong… đặc biệt, trong khu vực quanh các trường đại học, không khó để bắt gặp QR Code đã được dán sẵn ở một góc xe hàng để khách hàng thuận tiện trong thanh toán các hóa đơn mua hàng. Hầu hết, người sử dụng QR Code tại những điểm xung quanh trường là sinh viên.

Thạc Huy, sinh viên Đại học Ngoại Thương - sống và học tập tại phố Chùa Láng, nơi tập trung nhiều những quán ăn và cửa hàng tiện lợi, cho biết: “Từ khi lên đại học, hầu như tất cả giao dịch, thanh toán cá nhân của tôi trong ngày đều thực hiện thông qua việc quét QR Code, hay chuyển khoản. Có một điểm thuận lợi là gần như 100% cơ sở kinh doanh tại Hà Nội đều có QR Code và chấp nhận chuyển khoản. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ, tôi uống một cốc trà đá, hay sữa đậu nành có giá từ 3.000 - 5.000 đồng cũng tiện tay quét QR Code để thanh toán”.

Tương tự, Phương Thảo, sinh viên Đại học Hà Nội cũng chia sẻ những tiện ích của thanh toán không tiền mặt khi sử dụng đổ xăng cho xe máy tại các cây xăng trên địa bàn Hà Nội. “Trước đây, các cây xăng không sử dụng hình thức thanh toán chuyển khoản hay QR Code nên mỗi khi xe hết xăng, trong người không có tiền, tôi phải dắt xe một đoạn dài tìm cây ATM để rút tiền, sau đó mới quay trở lại đổ xăng. Nhưng giờ đây, chỉ cần báo nhân viên đổ xăng phương thức thanh toán là tôi có thể đổ xăng đầy bình. Thanh toán không tiền mặt thực sự tiện lợi đối với giới trẻ chúng tôi”, Phương Thảo chia sẻ.

Những chia sẻ của Thu Phương, Thạc Huy hay Phương Thảo ở trên, cũng là quan điểm chung của nhiều bạn trẻ ngày nay. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán, các doanh nghiệp… đã góp phần đưa những các phương thức thanh toán hiện đại đến gần hơn với mọi tầng lớp dân cư từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt là trong giới trẻ.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng hơn 50%

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đã ghi nhận tăng trưởng tích cực. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 tăng gần 50% về số lượng.

Trong đó, qua kênh Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56 % về số lượng và 5,80% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng, tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị; Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị.

Trong khi đó, giao dịch qua ATM lại có xu hướng tiếp tục suy giảm, đạt khoảng 900 giao dịch, giá trị khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 giảm 8,84% về số lượng và hơn 9% về giá trị.

Kết quả trên, có thể thấy người dân ngày càng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 50%
Tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch

Về triển khai ứng dụng cộng nghệ, việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.

Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Đến cuối tháng 11/2023, cả nước có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).

Về ví điện tử, tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường. Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.

Về Mobile Money, sau 2 năm thí điểm đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, giá trị giao dịch đạt trên 2,4 nghìn tỷ đồng.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng. Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước đã ký kết với Bộ Công an về việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai trong năm 2023 như phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin thông qua căn cước công dân gắn chip; Nghiên cứu để sử dụng số định danh VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.

“Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an làm sạch trên 42 triệu hồ sơ khách hàng liên quan đến cơ sở thông tin tín dụng CIC. Có 53 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp do Bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip. 43 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin.

Liên quan vấn đề phòng ngừa gian lận trong giao dịch trực tuyến, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán cho biết, hiện tại còn nhiều tài khoản, ví điện tử không chính chủ. Đây là điểm mà nhiều đối tượng lợi dụng cho các hoạt động trái pháp luật. Các ngân hàng thương mại ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và kiểm tra các tài khoản hồ sơ không khớp giấy tờ, nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Lan Linh

Theo: Báo Công Thương