Thành lập 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương

(Banker.vn) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 235/QĐ-TTg về thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ: Giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo tỉ lệ cao, đúng chất lượng, hiệu quả Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước năm 2023

Cụ thể, với Quyết định 235/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trường hợp bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng.

Thành lập 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương
Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương

Theo đó, Tổ công tác số 1 sẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 4 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở số liệu giải ngân do Bộ Tài chính cung cấp hằng tháng sẽ công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra (có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước) trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo bằng văn bản về tình hình giải ngân cuối mỗi tháng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phục vụ các Tổ công tác do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, gửi lãnh đạo Chính phủ (Tổ trưởng) trước ngày 10 hằng tháng. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thuộc đối tượng kiểm tra xây dựng báo cáo tình hình giải ngân đến cuối mỗi tháng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ trước ngày 5 tháng sau.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.

Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng yêu cầu các Tổ công tác phải báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, cử cán bộ phối hợp thực hiện và giải quyết vướng mắc của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục