Thanh Hóa: Doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm

(Banker.vn) Xuất khẩu thủy, hải sản đang bật tăng trở lại những tháng cuối năm, các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản của tỉnh Thanh Hóa có cơ hội bứt phá.
Xuất khẩu tôm tháng 8/2023: Điểm tên các thị trường tiếp đà tăng trưởng dương Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này có 80 doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản đang hoạt động. Cùng với việc tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong số 80 doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản đang hoạt động, có 18 doanh nghiệp chế biến nước mắm và dạng mắm, 2 doanh nghiệp chế biến bột cá; 1 doanh nghiệp chế biến chả cá surimi; 1 doanh nghiệp chế biến ngao hấp, ngao đông lạnh và hơn 60 doanh nghiệp sơ chế, đông lạnh thuỷ sản.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
Các doanh nghiệp thu mua thủy, hải sản tại cảng cá Lệch Bạng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ngoài ra, các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa còn có hơn 1.000 cơ sở nhỏ, lẻ tham gia sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy, hải sản. Thông qua các doanh nghiệp cơ sở chế biến, hằng năm cung cấp cho thị trường trên 13 triệu lít nước mắm, hơn 22.000 tấn bột cá, 2.500 tấn chả cá surimi, 10.500 tấn ngao hấp, ngao đông lạnh, 22.440 tấn thủy sản đông lạnh...

Các sản phẩm thủy, hải sản của tỉnh được tiêu thụ rộng rãi trong nước và tham gia xuất khẩu. Tiêu biểu như: Mặt hàng ngao đông lạnh, ngao hấp, hải sản đông lạnh xuất khẩu sang các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Mỹ, Ý...; chả cá surimi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan; bột cá xuất khẩu sang Trung Quốc; nước mắm Lê Gia xuất khẩu sang Nhật Bản…

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8 xuất khẩu thủy sản ước đạt 846 triệu USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giảm song đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Đáng chú ý các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đều ghi nhận mức tăng trưởng cao so với tháng trước.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
Các doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản của Thanh Hóa có cơ hội bứt phá vào những tháng cuối năm 2023

Ngoài 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra, tháng 8 cũng ghi nhận sự bứt phá của nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như cá tuyết, cá minh thái, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm… Những sản phẩm như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô… đang có nhu cầu nhập khẩu tăng so với năm trước. Với điều kiện lạc quan ở một số thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, dự kiến xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm từ 15-18% so với năm 2022.

Có thể thấy, xuất khẩu thủy, hải sản đang bật tăng trở lại vào những tháng cuối năm 2023 khi các nhà nhập khẩu lớn tăng mua, cùng với đó là nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy xuất khẩu thủy sản đang trở lại quỹ đạo và tăng tốc. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung sẽ có cơ hội bứt phá xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước.

Hoàng Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục