Tháng cô hồn kiêng gì theo quan niệm dân gian?

(Banker.vn) Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là tháng cô hồn. Trong tháng đặc biệt của năm này, dân gian thường kiêng kỵ điều gì?
Người dân đừng quá tin vào những điều kiêng kỵ vô lý tháng cô hồn Hoa quả quê "lên đời", ra phố bán tiền triệu vẫn không có để mua

Tháng 7 Âm lịch, hay còn được biết đến với tên gọi "tháng cô hồn", là thời điểm mà nhiều người Việt Nam giữ những quan niệm và tục lệ truyền thống cẩn thận hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguồn gốc tháng 7 cô hồn

Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) bắt nguồn từ việc Ngọc Hoàng cho Diêm Vương mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để ma đói quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế, theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho ma quỷ đói để ma quỷ không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.

Ở Việt Nam, theo dân gian, người Việt cúng tháng 7 âm lịch kéo dài 1 tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng 7 âm lịch là tháng không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.

Tháng cô hồn kiêng gì theo quan niệm dân gian?
Trong tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng cô hồn còn có Lễ Vu Lan (Ảnh minh hoạ)

Trong tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng cô hồn còn có Lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu - một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ nên cử hành Lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.

Tháng 7 âm lịch kiêng gì theo quan niệm dân gian?

Trong ngày này, có một số điều kiêng kỵ được nhiều người tuân thủ nhằm tránh gặp xui xẻo hoặc những tình huống không may mắn.

Không nên đi chơi đêm trong tháng cô hồn, đặc biệt với người yếu bóng vía và trẻ em. Dân gian tin rằng vào tháng 7 Âm lịch, Diêm vương mở cửa Quỷ môn quan để cho ma quỷ, cô hồn được trở lại cõi trần, đến tối ngày rằm chúng phải quay về vì cửa ngục sẽ đóng lại. Vì thế trong nửa đầu tháng 7, nhiều người tránh đi chơi đêm đặc biệt với người yếu bóng vía và trẻ em - khoảng thời gian được cho là âm khí nặng nhất - để không bị ma quỷ trêu ghẹo, quấy nhiễu.

Kiêng ăn vụng đồ cúng cô hồn. Trẻ con ăn vụng đồ cúng là chuyện vẫn hay xảy ra, nhưng riêng mâm cỗ cúng cô hồn thường được người lớn canh chừng đặc biệt cẩn thận, không để trẻ sờ cho đến khi hương cháy hết, mọi nghi thức hoàn tất. Điều này cũng xuất phát từ quan niệm cô hồn dã quỷ xuất hiện khắp nơi trong tháng 7 Âm lịch, trong đó có nhiều quỷ đói. Mâm cỗ cúng chúng sinh là dành cho những đối tượng này, nếu sờ vào sẽ chọc giận ma quỷ, khiến chúng nổi giận và gây rối.

Về việc cúng bái: Không cúng chúng sinh trong nhà, nên cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc xin cúng ở đình, chùa... Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã. Cúng chúng sinh xong hay vừa ra nghĩa trang xong, trước khi vào cửa chính, nam đi qua lửa 7 lần, nữ đi qua lửa 9 lần.

Mua nhà, cưới hỏi, động thổ. Người xưa cho rằng, các vong hồn quay trở lại dương gian vào tháng 7 âm lịch sẽ đi phiêu bạt bên ngoài để quấy phá công to việc lớn của người trần. Vì thế mọi người nên tránh làm những việc lớn như động thổ, xây nhà, cưới hỏi, mua nhà, mua đất,… Mặt khác, dưới góc độ khoa học, tháng 7 là tháng mưa nhiều, thường xảy ra bão lũ, nên gia chủ không nên làm những việc lớn bởi dễ có nguy cơ hỏng việc.

Theo quan điểm dân gian, những thứ đã cúng như tiền âm phủ, tiền thật… đều thuộc về thế giới tâm linh, do đó nếu bạn nhìn thấy cũng không nên nhặt mang về nhà.

Vào ngày đầu tháng, đặc biệt là ngày mùng 1 tháng cô hồn, mọi người thường kiêng xuất tiền, của vì sợ rằng bản thân sẽ bị “dông” cả tháng, hao tài tán lộc. Đồng thời, những người kĩ tính hoặc kinh doanh buôn bán cũng kị việc vay mượn, trả nợ hoặc đòi tiền vào ngày mùng 1 hàng tháng.

Nhiều người cho rằng, cắt tóc là việc không nên làm vào ngày đầu tháng, đặc biệt là ngày mùng 1 âm lịch tháng cô hồn. Họ cho rằng, cắt tóc sẽ khiến tài lộc tiêu hao suốt 30 ngày trong tháng, chính vì thế cần tránh tối đa làm việc này để kiêng kị trong tháng cô hồn việc bị hao tài tán lộc trong tháng cô hồn.

Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương