Tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhất trong 2 năm

(Banker.vn) Tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8/2022.
Doanh nghiệp dệt may kiến nghị “mềm hóa” quy tắc xuất xứ trong CPTPP Ứng phó với quy định mới tại EU: Doanh nghiệp dệt may lưu ý gì?

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD trong tháng 7/2024, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước.

Dệt may. Ảnh: Quang Vinh
Tháng 7/2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt cao nhất từ tháng 8/2022. Ảnh: Quang Vinh

Trong đó: Hàng xơ sợi dệt đạt 373,3 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ, tăng 6% so với tháng trước; hàng dệt may đạt 3,71 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, tăng 17,6% so với tháng trước; vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 68,2 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, tăng 7% so với tháng trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 135 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ và tăng 10,1% so với tháng trước

Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD, trong đó: Hàng xơ sợi dệt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ; hàng dệt may đạt 20,2 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ; vải mảnh, vải kỹ thuật khác đạt 458 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 878 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Dù đạt kết quả khả quan, tuy nhiên ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay: Hiện nay, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động sẽ tác động đến các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành dệt may.

Cũng theo ông Cẩm, đặc biệt là việc gia tăng rào cản kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam và doanh nghiệp trong nước đang thiếu thông tin về những biện kỹ thuật này, như: Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ, đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU...

Trước những khó khăn trên, tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại tháng 7/2024 của Bộ Công Thương, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại những địa bàn là thị trường xuất khẩu lớn của ngành nắm bắt thông tin, cảnh báo sớm để doanh nghiệp trong nước có biện pháp ứng phó.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục