Tham vấn chính sách trên môi trường điện tử góp phần nâng cao chất lượng chính sách

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 24/5, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn trực tuyến với các cơ quan, hiệp hội về dự thảo Báo cáo Cơ chế tham vấn chính sách, quy định kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Tham dự cuộc họp có ông Trần Quang Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, đại diện Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, đại diện các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Giấy Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, đại diện Dự án USAID Việt Nam…

 

Hoạt động tham vấn chính sách còn nhiều nút thắt

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hồng cho biết Nghị quyết số 68/2020/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đã giao Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính huy động sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân gửi kiến nghị về khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời kịp thời đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Thời gian qua, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã và đang nghiên cứu và phát triển công cụ tham vấn chính sách quy định trên môi trường điện tử nhằm đảm bảo việc tham vấn hai chiều, cơ quan nhà nước tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp về các quy định, các quy định dự kiến ban hành, phương án cắt giảm đơn giản hóa các quy định liên quan kinh doanh. Ở chiều ngược lại, các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động đề xuất sáng kiến cải cách để loại bỏ các quy định tạo ra rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khuôn khổ nói trên, Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ cho Hội đồng tư vấn đã hình thành Dự thảo Báo cáo Cơ chế tham vấn chính sách, quy định kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Nội dung dự thảo Báo cáo tập trung nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cách thức tham vấn chính sách, đánh giá thực trạng tại Việt Nam và đề xuất công cụ khả thi và phương án cắt giảm đơn giản hóa thủ tục.

Theo TS. Tạ Minh Lý, chuyên gia tư vấn Dự án USAID Link SME, tham vấn, phản biện của doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong hoạch định chính sách, góp phần nâng cao chất lượng của chính sách và quyết định sự thành công của thực thi chính sách. Sự tham gia của các doanh nghiệp giúp cho quá trình hoạch định chính sách tiếp nhận được các quan điểm đa dạng từ chính thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, nhận được nhiều nguồn thông tin, kiến thức về các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

 

Trong một khảo sát của Văn phòng Chính phủ, quá trình xây dựng, lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo chính sách, văn bản đã được thực hiện tương đối nghiêm túc, trên 70% cơ quan bộ, ngành có văn bản phản hồi khi có đề nghị góp ý, hầu hết các dự thảo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của bộ, ngành để lấy ý kiến.

Dù vậy, cũng vẫn có ý kiến cho rằng hoạt động tham vấn hiện còn mang nặng tính hình thức, không cung cấp đủ thông tin cho doanh nghiệp, hoặc đưa ra một dự thảo văn bản rất dài và rối rắm, doanh nghiệp không thể nghiên cứu và đóng góp ý kiến, chưa kể đến vấn đề kỹ thuật, mở được văn bản và dễ tiếp cận cũng không phải thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cần xây dựng một Cổng tham vấn chính sách trên môi trường điện tử

 

Theo TS. Tạ Minh Lý, hoạt động tham vấn, lấy ý kiến vừa qua trên các kênh thông tin điện tử phần nào đã đáp ứng được một phần mong mỏi của các doanh nghiệp. Nhiều vấn đề đã được các doanh nghiệp quan tâm và trở thành tâm điểm nóng như: giảm điều kiện thành lập công ty, giảm thuế, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết…. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đã trở thành địa chỉ tin cậy để các cơ quan nhà nước tham vấn bằng nhiều hình thức: qua cổng thông tin, gửi văn bản, yêu cầu tọa đàm, phỏng vấn, mời tham dự họp,…

Ông Đào Phan Quang, chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME nhận định ở Việt Nam độ phủ internet rất cao, số lượng thiết bị di động cao, việc trao đổi thông tin qua mạng xã hội lớn, 99,8% người dân sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin. Đây là các điểm thuận lợi khi triển khai việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp, người dân trên môi trường điện tử.

Được biết, Cổng Tham vấn quy định kinh doanh đang được phát triển để trở thành một dịch vụ tích hợp trên trang web của Văn phòng Chính phủ. Nó đóng vai trò như một kênh tập trung để các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước. Cổng tham vấn được thiết kế như một công cụ kỹ thuật số để nhận trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp về các quy định kinh doanh cần sửa đổi, các phương án cải cách và các quy định kinh doanh dự kiến sẽ được ban hành. Cổng tham vấn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lên tiếng về các quy định kinh doanh hiện hành không phù hợp, là rào cản đến hoạt động kinh doanh; các quy định đang được lên kế hoạch ban hành; và có kế hoạch đơn giản hóa và cắt giảm các quy định kinh doanh.

Cổng tham vấn quy định kinh doanh sẽ là cầu nối và là công cụ để thu hút ngày càng nhiều chủ thể là cá nhân, doanh nghiệp và hiệp hội tham gia tích cực trong tham vấn chính sách, sáng kiến lập pháp và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Cổng tham vấn cũng sẽ ngày càng góp phần minh bạch hóa và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc gây phiền hà cho kinh tế phát triển.

Cần sự phản hồi, tương tác từ cơ quan Nhà nước

Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, hệ thống thông tin của Cổng tham vấn, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Trưởng Ban Pháp luật Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá việc xây dựng cơ chế tham vấn điện tử là cần thiết, đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm trình Chính phủ xây dựng Cổng Tham vấn hiệu quả sát thực tiễn, đảm bảo chất lượng. Về vấn đề phản hồi các ý kiến góp ý bà Nguyễn Thị Mai Sương đề nghị đơn vị thường trực cập nhật thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp làm cầu nối chuyển đến cơ quan soạn thảo ban ngành để sớm sửa đổi chính sách hiệu quả nhất. "Các cơ quan, bộ, ngành cần làm tốt hơn việc xây dựng khuôn khổ pháp lý gắn với phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp, khi nhận được phản ánh nên sớm có nghiên cứu chỉnh sửa chính sách phù hợp", bà Nguyễn Thị Mai Sương nói. Về phía các Hiệp hội, bà Mai Sương cho rằng cần cố gắng chủ động đề xuất kịp thời với Chính phủ, cơ quan bộ, ngành về cơ chế chính sách đã ban hành nhằm sửa đổi đưa vào thực tiễn có hiệu quả.

Đặc biệt, cần có cơ chế phản hồi lại các góp ý cơ chế chính sách. "Hiệp hội Ngân hàng nhận thấy NHNN đã có cơ chế phản hồi tương đối cập nhật đầy đủ nhưng với nhiều cơ quan khác không có sự phản hồi hoặc là sự tham gia góp ý không được liên tục, đề xuất không được sửa đổi", bà Mai Sương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quyền, đại diện Hiệp hội Vận tải cho rằng việc hình thành Cổng tham vấn ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội khi xây dựng chính sách là rất cần thiết. Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện đóng góp ý kiến vào quá trình tham vấn nhưng cũng có nhiều trường hợp ý kiến tham gia không được tiếp thu, trao đổi, do đó, ông Quyền cho rằng việc tham vấn đi vào thực chất thì nên hình thành Tổ tham vấn bên cạnh Tổ soạn thảo nhằm nắm bắt các ý kiến tiếp thu, ý kiến không tiếp thu, có sự trao đổi phản biện qua lại…

Bà Phan Minh Thủy, đại diện Ban Pháp chế VCCI cho rằng từ kinh nghiệm vận hành VCCI online 17 năm qua, chúng ta cần thiết kế Cổng tham vấn khoa học, dễ hiểu, thuận lợi nhất để doanh nghiệp có thể tham gia. Có thể ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI vào quá trình tham vấn để việc lấy ý kiến thuận lợi, minh bạch, dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam hy vọng Cổng tham vấn sẽ là kênh tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong quá trình tham vấn ý kiến xây dựng chính sách và điều quan trọng nhất là sự tương tác, sự phản hồi trở lại với ý kiến đóng góp từ cộng đồng đoanh nghiệp. Nếu không có sự tương tác này, sẽ khiến doanh nghiệp, hiệp hội nản chí vì cảm thấy không được lắng nghe.

Ông Nguyễn Hải Minh, đại diện Eurocharm cho rằng chỉ cần Cổng tham vấn có cơ chế nền tảng chạy tốt, minh bạch, có phản hồi thì các doanh nghiệp, hiệp hội chắc chắn tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nước ngoài, sự minh bạch và tính phản hồi rất quan trọng để có thể theo dõi cơ chế đánh giá của cơ quan nhà nước, bộ, ngành, từ đó phát huy tác dụng và hiệu quả rõ hơn.

Ông Trần Quang Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội thảo và cho biết nhóm chuyên gia sẽ tiếp thu triệt để các ý kiến để Báo cáo nhằm có đánh giá chuẩn xác nhất từ đó kiến nghị với Hội đồng tư vấn và Chính phủ xây dựng một hệ thống tham vấn chính sách trên môi trường điện tử, khắc phục được các tồn tại trước đây và trở thành kênh tham vấn thuận tiện, hữu dụng nhất khi cơ quan nhà nước tham vấn ý kiến doanh nghiệp, người dân.

Theo: