Thái Nguyên: Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

(Banker.vn) Với việc chú trọng đầu tư, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Thái Nguyên ngày càng được khẳng định, từ chất lượng đến năng lực cạnh tranh cao.
Vĩnh Phúc: Động lực cho sản phẩm công nghiệp nông thôn vươn tầm cao mới Bình Thuận: 50 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh

Thúc đẩy quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm

Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày càng có nhiều sản phẩm khẳng định được chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao. Với “tấm vé" thông hành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được chứng nhận đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Một trong những địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhất tỉnh là huyện Phú Bình. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Riêng trong năm 2020, huyện có đến 5 trong tổng số 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của toàn tỉnh.

Thái Nguyên: Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Với “tấm vé" thông hành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được chứng nhận đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường

Anh Dương Hữu Tuyên, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình chia sẻ: “Qua quá trình phấn đấu, sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tôi rất phấn khởi, sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa, để sản phẩm của mình phát triển, đến nhiều thị trường hơn nữa".

Nhằm tôn vinh, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Vừa qua, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-CTĐP ngày 13/5 về việc công nhận 126 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024, trong đó tỉnh Thái Nguyên có 9 sản phẩm được công nhận.

Theo đó, 9 sản phẩm được công nhận gồm: Chè tôm nõn của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); trà đinh ướp sen ngọc Tỉnh Liên của Công ty TNHH Tân Cương, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); trà tôm nõn và trà đinh của Hợp tác xã chè Thái Sơn, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên); độc đáo trà ướp hoa của Hợp tác xã trà Sơn Dung, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên); Lộc đinh trà của HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên)...

Theo đại diện Sở Công Thương Thái Nguyên, mục đích bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm lựa chọn các sản phẩm xuất sắc, nổi trội để bình chọn tôn vinh. Chương trình được tổ chức 2 năm một lần nhằm phát hiện các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng cao, giá trị, tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường... Các sản phẩm được bình chọn đều đáp ứng tiêu chuẩn về: Quy mô sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường; tính văn hóa, thẩm mỹ của sản phẩm; các chứng nhận liên quan về chất lượng sản phẩm...

"Qua các cuộc bình chọn sẽ giúp tạo thêm động lực để các cơ sở quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm. Cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp cũng có kế hoạch hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển..." - đại diện Sở Công Thương Thái Nguyên nói.

Giải quyết những bất cập

Trước đó, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên được công nhận 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia năm 2023, gồm: Nhất diệp hảo trà của HTX chè an toàn Nguyên Việt; Hương sơn trà của HTX chè Tuyết Hương; Chè móc câu của HTX chè Hảo Đạt; Miến tỏi đen Việt Cường của HTX miến Việt Cường; Vạn lộc trà của HTX trà Sơn Dung.

Theo đại diện Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương cho biết: “Mỗi năm chấm các đơn vị tham gia chương trình, chúng tôi lại thấy những tiến bộ vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có hướng đầu tư hay, mô hình không phải quá lớn. Có doanh nghiệp còn đưa ra được sản phẩm của mình là trà hữu cơ".

Thái Nguyên: Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Sản phẩm chè móc câu của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên là 1 trong 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là dịp để các cơ sở sản xuất kinh doanh khẳng định được chất lượng sản phẩm. Từ đó có giải pháp để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô và thị trường.

Tuy nhiên, qua bình chọn cũng cho thấy những hạn chế đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh như: Số lượng sản phẩm tham gia bình chọn ít, nhất là ở những làng nghề, làng nghề truyền thống; công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế...

Đề cập về những giải pháp khắc phục hạn chế này, đại diện Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương nêu ý kiến: “Thái Nguyên vẫn phải duy trì được thương hiệu, truyền thống đặc biệt của mình theo hướng tiến bộ, như sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa thương hiệu của mình phát triển, chứ không nên phát triển theo hướng công nghiệp hóa".

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn, ông Nguyễn Thế Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, trong những năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu, tổ chức 6 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, qua đó bình chọn được 188 sản phẩm; 4 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực đã bình chọn được 30 sản phẩm và 4 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia đã bình chọn được 17 sản phẩm.

Theo đó, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho các cơ sở, như: Chuyển giao khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu; thiết kế và xây dựng nhãn logo sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu…

Đặc biệt là hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có cơ hội tham gia nhiều hội nghị, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, sự kiện giao thương trực tuyến và tạo kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục