Thực tiễn vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua cho thấy, minh bạch là điều các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lo ngại nhất khi tham gia thị trường chứng khoán. Một câu chuyện không mới nhưng có lẽ đến nay vẫn còn tính thời sự là trường hợp của ông Nguyễn Tuấn Hải, nhà sáng lập Tập đoàn Alphanam. Ông Hải từng chia sẻ trong sự kiện hủy niêm yết hồi cuối năm 2014 rằng: “Nếu được lựa chọn giữa ‘không minh bạch’ và ‘mất tiền’, Alphanam sẽ chọn ‘không minh bạch’”.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam từng thẳng thắn thừa nhận "minh bạch hóa" là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp niêm yết. |
Trên thực tế, không thiếu các ví dụ cho thấy “cái giá không hề rẻ” của sự thiếu minh bạch. Những vi phạm trong công bố thông tin không chỉ để lại hậu quả cho nhà đầu tư, mà còn gây ảnh hưởng nặng nề tới chính doanh nghiệp và cá nhân vi phạm.
Rúng động nhất có lẽ phải kể đến vụ “bán chui” cổ phiếu của nguyên Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết hồi đầu năm 2022. Chuyện bán cổ phiếu mà không công bố bị phanh phui, ông Quyết ngay lập tức nhận “tráp phạt” 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, rồi sau đó vướng vào vòng lao lý vì những hành vi sai phạm, tạo thanh khoản giả, thổi giá cổ phiếu FLC…
Một cái tên đình đám khác là Louis Holdings cũng bị xử phạt gần 200 triệu đồng do không báo cáo về giao dịch cổ phiếu TGG. Mới đây nhất, UBCKNN vừa xử phạt ca sĩ Khánh Phương 245 triệu đồng vì mua hàng triệu cổ phiếu Sông Đà 1.01 (SJC) mà không báo cáo.
Ngoài ra, còn có rất nhiều doanh nghiệp “có tiếng” khác cũng bị “bêu tên” do công bố không tin không kịp thời như như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty CP Kho vận Petec, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Lương Tài, Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái...
Liên quan đến việc công bố thông tin không đúng thời hạn, nhiều mã cổ phiếu đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch hay nặng hơn là huỷ niêm yết vì sự chậm trễ trong việc báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp. Cụ thể, các cổ phiếu thuộc “họ FLC” là ROS, HAI, AMD đã bị hủy niêm yết bắt buộc.
Bên cạnh đó, trong danh sách bị hạn chế giao dịch vì “trễ hẹn” báo cáo, người ta cũng nhìn thấy sự xuất hiện của những ông lớn Xây dựng Hoà Bình, Đầu tư Hải Phát, Vietnam Airlines...
Không ít những doanh nghiệp ngoài sàn đã hội tụ đủ điều kiện niêm yết, nhưng họ quyết định đứng ngoài cuộc chơi. Không phủ nhận một nguyên nhân ngăn cản họ tiến bước lên sàn, là do diễn biến xấu của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua, đi kèm với những thất bại của các đợt huy động vốn từ cổ phiếu, đã làm nảy sinh sự hoài nghi về khả năng tiềm tàng rủi ro với họ trong “game” này. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, việc muốn lên sàn hay không, phần lớn xuất phát từ những quan điểm chủ quan của phía doanh nghiệp.
Đó là những quan điểm “muôn hình vạn trạng”, từ việc ngại cấu trúc lại nguồn lực, cơ cấu cổ đông, cho tới nhận thức chưa đúng mức về vai trò của thị trường chứng khoán đối với chiến lược phát triển trong tương lai của doanh nghiệp… Phổ biến nhất là tâm lý “lo sợ” khi phải công khai thông tin, hoặc hiểu đơn giản là phải “minh bạch hóa” mọi hoạt động khi tham gia thị trường chứng khoán.
“Lên sàn đồng nghĩa với việc phải đáp ứng nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, cũng như rất nhiều thông tin liên quan đến chuyện làm ăn khác. Bản thân các doanh nghiệp dù đã niêm yết nhiều năm, song vẫn thường xuyên bị nhắc nhở, nhận “tráp phạt” từ cơ quan quản lý nhà nước vì vi phạm công bố thông tin. Thực trạng này vẫn tiếp diễn bất chấp cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra khung hình phạt xử lý mạnh tay. Từ đó để thấy, tâm lý sợ công khai thông tin tác động lớn thế nào đến quyết định lên sàn của doanh nghiệp”, ông Thịnh chỉ ra nguyên nhân cố hữu của doanh nghiệp Việt.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận câu chuyện e ngại minh bạch hóa không chỉ diễn ra ở nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết. Đối với nhóm doanh nghiệp niêm yết, thời gian qua, hàng loạt quyết định xử phạt hành chính đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ký ban hành, nhắm đến các đối tượng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Ngoài sự vô tình “quên” thì còn có cả sự “hữu ý”. Ông Thịnh cho rằng, giữa thời kỳ khó khăn của cả nền kinh tế, doanh nghiệp phần lớn chứng kiến kết quả kinh doanh sụt giảm nên họ không muốn phô bày sự thiếu tích cực đó ra công chúng quá sớm. Các thông tin bất lợi sẽ phản ánh lập tức lên giá trị cổ phiếu, nên có thể nói việc trì hoãn thông tin đâu đó sẽ nằm trong toan tính của họ.
Cùng với đó, bên cạnh chuyện bỏ quên công bố thông tin định kỳ, thông thường, các doanh nghiệp niêm yết kém tên tuổi cũng chỉ đáp ứng nghĩa vụ thông tin cho công chúng một cách “bập bõm”, chiếu lệ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng doanh nghiệp niêm yết cần coi chuyện công bố thông tin là ưu điểm hấp dẫn nhà đầu tư, cổ đông, làm tăng lợi thế cạnh tranh thay vì bị xem là yếu điểm có thể làm lộ các bí mật thương mại, hay các vấn đề mang tính nội bộ khác của doanh nghiệp. |
Để gạt bỏ tâm lý ngại minh bạch đang bao trùm doanh nghiệp Việt, chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết bản thân doanh nghiệp cần trang bị cho mình đội ngũ kế toán, nhân sự tài chính giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, chuẩn hóa nghiệp vụ để không còn lo lắng mỗi khi đối diện với các kiểm toán viên.
Họ cũng cần đưa ra chiến lược phát triển lành mạnh, bền vững để coi chuyện công bố thông tin là ưu điểm hấp dẫn nhà đầu tư, cổ đông, làm tăng lợi thế cạnh tranh thay vì bị xem là yếu điểm có thể làm lộ các bí mật thương mại, hay các vấn đề mang tính nội bộ khác của doanh nghiệp.
Nói thêm về sự minh bạch trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định rằng đó là sự “sống còn” của tất cả các doanh nghiệp, là yếu tố phát triển tất yếu của thị trường chứng khoán.
Chính phủ nhiều năm qua xác định thị trường chứng khoán phải trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, làm giảm lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình phát triển thị trường chứng khoán đã gặp phải những điểm “gợn”, buộc cơ quan quản lý phải gấp rút hoàn thiện khung pháp lý, “bịt” những lỗ hổng bằng nỗ lực xử phạt nghiêm khắc với những trường hợp sai phạm, thậm chí là sẵn sàng xử lý hình sự các đối tượng để “gột rửa” thị trường.
Trước hết, tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán là để bảo vệ nhà đầu tư yếu thế. Họ cần được nắm bắt thông tin – cũng là nắm bắt cơ hội đầu tư kịp thời nhất, đúng đắn nhất chứ không phải bị “om” thông tin, buộc họ phải tìm kiếm các kênh tin tức không chính thống theo dạng tin đồn, tin truyền miệng… để rồi dễ dàng bị thao túng bởi các nhóm lợi ích khác.
Một thị trường lành mạnh cũng là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định trong tiến trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam, từ mức cận biên lên mới nổi theo quy định của quốc tế. Khi chúng ta đạt được điều đó, chắc chắn dòng vốn từ nước ngoài sẽ dồi dào hơn thông qua hoạt động “đổ bộ” của các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn của các nước.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030. |
Không chỉ mang theo tài chính, họ cũng có thể mang đến những công nghệ tân tiến, những kĩ năng quản trị chuyên nghiệp giúp cải thiện hoạt động của doanh nghiệp trên sàn, tạo động lực cho sự phát triển lâu dài, ổn định, đóng góp nhiều hơn cho đất nước trong thời đại mới.
Về phía doanh nghiệp, minh bạch hóa sẽ đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh, và giúp doanh nghiệp tạo dựng lòng tin trong mắt đối tác, là “sợi dây” vô hình kéo người lao động thêm gắn bó với doanh nghiệp, từ đó hướng đến phát triển bền vững, hiệu quả. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, để lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư lớn, minh bạch là chìa khóa để mở cánh cửa cơ hội của doanh nghiệp Việt.
Dù vậy, đáng tiếc là theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, sự minh bạch thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam còn đang ở mức trung bình thấp. So sánh với các thị trường trong khu vực (như Singapore, Malaysia, Thái Lan…), những quy định công bố thông tin của chúng ta có phần nhẹ nhàng hơn, cả về mặt thời gian, lẫn phương tiện hay nội dung cần công bố.
Để cải thiện điều đó, theo ông Thịnh, cần có sự tham gia của tất cả các bên, từ Chính phủ, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến các chủ thể khác trên thị trường, như doanh nghiệp, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… Xóa bỏ “rào cản” này, để rộng cửa cho doanh nghiệp lên sàn là cả một quá trình dài hơi, chứ khó có thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Cần sự nỗ lực từ khâu hoạch định chính sách, văn bản pháp quy, lấy ý kiến tham vấn doanh nghiệp, đến triển khai thực hiện và thanh kiểm tra, giám sát.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện giờ, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp minh bạch hóa và niêm yết để tiếp cận với những nguồn vốn lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp đứng ngoài xu hướng, tất yếu sẽ bị đào thải!
Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, chỉ riêng năm 2022, cơ quan này đã kiểm tra và xử lý đến 495 trường hợp là tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, chủ yếu là không công bố đúng thời hạn cho các thông tin buộc phải công khai. Sang năm 2023, trong vòng vài tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành hơn 50 quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp do vi phạm liên quan đến công bố thông tin. |
Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá "Thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao nhiêu năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch và hiện tượng ... |
Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” sàn chứng khoán Hiệu quả của việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn ... |
Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn? (Bài 1) LTS: Các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dư âm của đại dịch Covid-19 và những biến ... |
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|