Tập trung đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

(Banker.vn) Chiều ngày 2/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Đây là buổi họp báo đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.

Họp báo Chính phủ tháng 1/2023 - Ảnh: VGP

Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, phiên họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 2 và thời gian tới; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; việc triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt tổ chức Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội phong phú, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; các lực lượng tổ chức ứng trực đầy đủ, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, qua đó ngăn ngừa tai nạn giao thông và các vụ việc gây mất trật tự an toàn xã hội. An sinh xã hội được quan tâm; đã hỗ trợ cho 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng; có nhiều hành động, hình ảnh đẹp thể hiện tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của các chiến sỹ lực lượng vũ trang quân đội, công an; nhiều cách làm mới, sáng tạo mang tính nhân văn, nghĩa tình sâu sắc như quán ăn miễn phí, chuyến xe 0 đồng, chợ 0 đồng, cửa hàng 0 đồng...

Trong dịp Tết, với tinh thần quyết tâm cao, các dự án lớn, công trình trọng điểm quốc gia vẫn tiếp tục được triển khai (chỉ nghỉ ngày 30 và mồng 1 Tết); thậm chí nhiều công trình làm việc xuyên Tết. Ngay trong và sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn tại một số địa phương.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tình hình Tết và các nhiệm vụ, giải pháp sau Tết. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, bắt tay ngay vào công việc theo các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Kinh tế - xã hội ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm

Về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho rằng, triển khai các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2023 và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01. Với tinh thần đó, mặc dù số ngày làm việc chỉ bằng 2/3 bình thường (do thời gian 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng), kinh tế - xã hội tháng 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh của thị trường quốc tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt trên 593 nghìn tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so năm 2022. Có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ. Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát tốt, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Vẫn còn khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên là: (1) Kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; (2) Sức ép lạm phát còn cao; (3) Lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; (4) Thị trường bất động sản còn vướng mắc, bất cập; (5) Các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; (6) Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%); (7) Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế; (8) Thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; (9) Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...

Từ thực tế chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Chính phủ đã rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng như sau:

Thứ nhất, nắm chắc tình hình thực tế, bám sát, cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nhất là trước các diễn biến của tình hình thế giới. 

Thứ hai, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, dao động, thiếu tự tin mà phải luôn chủ động bình tĩnh, linh hoạt, sáng suốt, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục" và luôn cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức. 

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu.

10 nhiệm vụ cần thực hiện để thúc đẩy động lực tăng trưởng

Thời gian tới, dự báo tình hình có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Cụ thể như sau: 

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ ba, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, trong đó, sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng chiến lược như giao thông, y tế, văn hóa...

Thứ tư, chú trọng khơi thông thị trường gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội nhu cầu lương thực đang tăng trên thế giới và của các thị trường lớn. Thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp (như chương trình OCOP).

Thứ năm, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến chế tạo ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thứ sáu, chú trọng phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Có giải pháp đồng bộ, hiệu quả tận dụng tối đa các cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế; phấn đấu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; hoàn thiện, phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế. Chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT và chuẩn bị cho năm học mới. Nắm tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ, không để đứt gãy cung ứng nguồn lao động. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tốt lễ hội, bảo đảm văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thứ tám, tập trung nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, sửa đổi ngay các nghị định, thông tư đang có vướng mắc; đổi mới cách làm, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh ở các cấp, các ngành; đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát, giảm tối đa các thủ tục hành chính làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, tập trung triển khai Đề án 06 và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Thứ chín, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước, các lễ hội đầu xuân Quý Mão. Theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thứ mười, đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường thông tin về các điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt, không khí phấn khởi ra quân triển khai nhiệm vụ đầu năm mới, tạo khí thế mới, năng lượng mới cho đất nước, cho dân tộc. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14,1 nghìn tỷ). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2. 

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương.

Minh Ngọc -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục