Tăng doanh thu cho nông sản Điện Biên nhờ ‘lên sàn’ thương mại điện tử

(Banker.vn) Nhiều loạt nông sản, đặc sản của Điện Biên đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu đáng kể cho các hợp tác xã và bà con nông dân.
Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên Thúc đẩy liên kết phát triển thương mại điện tử ở Tây Nguyên

Tăng cường tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Trong những năm qua, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn có mức tăng trưởng cao và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững. Các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử… được triển khai hiệu quả, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, thương mại, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực có thế mạnh của tỉnh.

Tăng doanh thu cho nông sản Điện Biên nhờ ‘lên sàn’ thương mại điện tử
Các hợp tác xã, doanh nghiệp dần quen với việc quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử (Ảnh: Lan Phương)

Trong khi đó, sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các Website, các sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội đã và đang mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới. Đây cũng là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên chuyển đổi hình thức từ bán lẻ truyền thống sang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân quảng bá và tiêu thụ nông sản.

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương bằng kênh thương mại điện tử, các ngành chức năng, thời gian qua, Sở Công Thương Điện Biên đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, triển khai các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành.

Theo thống kê của Sở Công Thương Điện Biên, đến nay, đã có gần 500 sản phẩm của tỉnh Điện Biên được đưa lên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 42 sản phẩm OCOP. Tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản thương mại điện tử đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 50%.

Đơn cử, để giải pháp kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của Điện Biên và vùng Tây Bắc trên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, sàn thương mại điện tử Shopee đã tập trung hỗ trợ nhà bán hàng và người nông dân quảng bá nông sản địa phương như: gạo Séng Cù, xoài sấy, mận hậu sấy, cao xạ đen, mật ong rừng, hà thủ ô…

Bằng cách hỗ trợ hiển thị các sản phẩm trong ứng dụng qua các banner, Flash Sale, giỏ hàng trong livestream, đồng thời, truyền thông rộng rãi về dự án trên các kênh báo chí chính thống, mạng xã hội hay phối hợp cùng KOL, các sản phẩm địa phương đã dễ dàng tiếp cận thị trường và người tiêu dùng.

Hoặc, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Điện Biên thu thập thông tin của hơn 2.000 hội viên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi; mở 1.200 tài khoản giao dịch trên sàn buudien.vn (trước đây là Postmart) cho hội viên nông dân. Đồng thời, lựa chọn 15 sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương quảng bá trên gian hàng thương mại điện tử buudien.vn.

Doanh số tăng cao, hàng hoá rộng mở đầu ra

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số, tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản của tỉnh Điện Biên đã và đang dần được khẳng định là hướng đi đúng đắn, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của Khoa học và Công nghệ hiện đại. Đây là cơ hội để người nông dân và các HTX tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản phẩm của mình. Đồng thời, từ đó góp phần khuyến khích bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên tích cực duy trì giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nông sản truyền thống; chủ động sản xuất sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương.

Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ (TP. Điện Biên Phủ) chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh dược liệu quý, đông trùng hạ thảo… phẩm. Hiện tại ngoài việc tiêu thụ thị trường trong tỉnh, sản phẩm đông trung hạ thảo của công ty còn được đưa lên sàn thương mại điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Zalo và trang bán hàng Lazada. Các sản phẩm khi đã được đưa lên sàn thương mại điện tử đang được trợ giá đưa lên sàn nên không tốn kinh phí khâu trung gian và có nhiều phân khúc khách hàng tại các tỉnh, thành phố.

Đại diện Bưu điện tỉnh Điện Biên (chủ sàn thương mại điện tử buudien.vn) cho biết, thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia các sàn thương mại điện tử, đơn vị đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quảng cáo và quản lý gian hàng giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả. Đồng thời, triển khai các chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, bưu điện tỉnh đã chủ động và phối hợp với các hộ kinh doanh, HTX triển khai các chương trình truyền thông cũng như Livestream bán hàng trực tuyến giúp thay đổi nhận thức của người dân và người tiêu dùng trong giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương