Tăng 4 phiên liên tiếp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi về giá

(Banker.vn) Xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục thuận lợi khi cả hai loại cà phê là Robusta và Arabica đều đang duy trì đà tăng giá tương đối ổn định.
Nguồn cung thấp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi về giá Giá cao nhất trong 30 năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam được hưởng lợi ra sao?

Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục khởi sắc với mức tăng nhẹ lần lượt 0,28% với Arabica và 0,39% với Robusta, nối dài đà tăng sang ngày thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, lực tăng có phần chững lại so với phiên cuối tuần trước khi tồn kho trên Sở ICE được bổ sung.

Theo báo cáo kết phiên 15/9, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần tăng 3.360 bao loại 60kg sau một tháng giảm liên tiếp nhờ nguồn cung bổ sung từ Brazil. Cũng chính nguồn cung từ Brazil đã giúp tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng từ mức 35.770 tấn lên 38.730 tấn.

Tăng 4 phiên liên tiếp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi về giá
Giá cà phê liên tục duy trì ở mức cao

Sáng nay 19/9, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng 300 – 400 đồng/kg. Như vậy, cà phê trong nước đã tăng 5 ngày liên tiếp, đưa giá thu mua lên mức 65.500 – 66.500 đồng/kg.

8 tháng đầu năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, cao hơn gần 700 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, EU chiếm tới gần 38% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu với 455.111 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ cà phê của châu Âu.

Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam tại EU gồm Đức đạt 145.896 tấn (-9,2%), Italy 114.030 tấn (+17%), Tây Ban Nha 65.932 tấn (-23%), Bỉ 48.906 tấn (-51,3%)…

Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang thị trường đứng thứ hai là Mỹ tăng 11,1% so với cùng kỳ lên 90.151 tấn, chiếm 6,6% thị phần.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương