Tầm nhìn mới cho nước Nga sau khi ông Putin đắc cử

(Banker.vn) Nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5 của ông Putin bắt đầu với sự ủng hộ của đông đảo người dân Nga nhưng không thể nói là không có thách thức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức nhậm chức Tổng thống Putin và những thách thức chờ đợi trong 6 năm tiếp theo Ukraine đối mặt vấn đề nghiêm trọng; ông Putin cảnh báo gay gắt phương Tây

Địa vị chính trị vững chắc

Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã giành được 87,28% số phiếu bầu, trong khi 3 ứng cử viên còn lại chỉ nhận được từ 3,2-4,31% số phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 77,49%.

Trước đó, Tổng thống Putin đã công bố những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới, nhấn mạnh nước Nga trước hết cần giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt, tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố lực lượng vũ trang.

Ông Putin kêu gọi giới chức Nga đoàn kết, cùng nhau đi trên con đường “xây dựng nước Nga mới” trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, vì lợi ích của người dân.

Tầm nhìn mới cho nước Nga sau khi ông Putin đắc cử
Ngay trong ngày đầu của nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh "Về các mục tiêu phát triển quốc gia của Liên bang Nga trong giai đoạn đến năm 2030 và triển vọng đến năm 2036". Ảnh: RIA Novosti

Về đối ngoại, Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu trong quan hệ với phương Tây. Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, quan hệ với Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển.

Với kết quả trên có nghĩa là ông Putin (71 tuổi) sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm. Đây cũng là lần thứ 5 ông nhậm chức Tổng thống Nga. Theo giới chuyên gia, nếu ông Putin hoàn thành nhiệm kỳ, thì ông sẽ vượt qua Stalin thời Xôviết và trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất nước Nga trong hơn 200 năm qua. Việc ông Putin tái đắc cử sẽ mang lại điều gì cho Nga và thế giới? Những thách thức nào đang chờ đợi ông trong tương lai?

Ông Phùng Thiệu Lôi, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, phân tích, nhìn vào sự thay đổi về tỷ lệ ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Putin trong 20 năm qua, có thể thấy cả tỷ lệ phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này đều đạt mức cao kỷ lục. Động thái này cho thấy, địa vị chính trị ổn định của ông Putin và đường lối chính trị cũng như các quyết định chiến lược của ông được đa số người dân Nga công nhận.

Có ba yếu tố là bệ đỡ đằng sau địa vị chính trị vững chắc của ông Putin. Thứ nhất, tình hình trên chiến trường Nga-Ukraine đã thay đổi. Đối mặt với cuộc xung đột quân sự có sự hỗ trợ của NATO, Nga đã có thể biến bất lợi thành lợi thế tương đối. Thứ hai, nền kinh tế Nga vẫn tiến lên thay vì suy thoái trước các biện pháp trừng phạt toàn diện và khắc nghiệt, cho thấy tính bền bỉ nhất định. Thứ ba, trước thử thách của cuộc chiến tàn khốc và môi trường quốc tế, xã hội Nga chưa bị chia rẽ hoàn toàn như phương Tây mong đợi mà trái lại, người dân Nga đoàn kết hơn và tin tưởng hơn vào tương lai.

Nâng tầm quan hệ Trung-Nga, phương Tây đối đầu cao độ

Tổng thống Putin cho biết, trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển đất nước. Về bức tranh xây dựng đất nước trong 6 năm tới, ông từng miêu tả trong Thông điệp Liên bang cuối tháng 2 là đặt ra các mục tiêu phát triển, bao gồm cả việc mở rộng xuất khẩu các sản phẩm phi năng lượng và thực hiện nhiều dự án quốc gia. Tại cuộc họp báo hôm đó, ông Putin nhắc lại sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển được đề ra trong Thông điệp Liên bang, đồng thời đưa ra những phát biểu mới nhất về hàng loạt vấn đề đang được quan tâm.

Nói về những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới, ông Putin tập trung vào vấn đề các hoạt động quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine và tăng cường năng lực phòng thủ của Nga. Về vấn đề Ukraine, ông cho hay, Nga sẵn sàng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình thông qua đàm phán, nhưng chỉ khi Ukraine mong muốn thiết lập quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với Nga thay vì dành thời gian để tái vũ trang cho quân đội Ukraine vốn đã kiệt quệ.

Tổng thống Putin cũng nhắc đến việc không loại trừ khả năng buộc phải thiết lập vùng an toàn ở Ukraine do khu vực biên giới Nga chịu nhiều cuộc tấn công.

Về quan hệ đối ngoại, ông Putin đặc biệt dành cho quan hệ Trung Quốc-Nga sự quan tâm đặc biệt. Ông cho biết sẽ tiếp tục củng cố quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời ca ngợi mối quan hệ bền chặt và bổ trợ cho nhau giữa hai nước là nhân tố ổn định trên trường quốc tế.

Khi đề cập đến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, ông Putin đặc biệt đưa ra lời cảnh báo tới NATO. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO có thể xảy ra hay không, ông trả lời mọi thứ đều có thể xảy ra trong thế giới ngày nay. Tổng thống cho rằng, xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO đồng nghĩa với việc Chiến tranh thế giới thứ ba chỉ còn cách một bước, nhưng hầu như không ai muốn chứng kiến kịch bản này.

Tầm nhìn mới cho nước Nga sau khi ông Putin đắc cử
Về đối ngoại, Tổng thống Nga chủ trương tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước mà Nga gọi là các quốc gia thân thiện, đẩy mạnh chính sách hướng Đông, ưu tiên quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ. Ảnh: RIA Novosti

Bước đi tiếp theo trong đối nội và đối ngoại của Nga là gì? Ông Phùng Thiệu Lôi cho rằng, cần xem xét 2 khía cạnh trong phát triển đất nước của Nga.

Thứ nhất, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được thực hiện trong thời gian qua, Chính phủ Nga về cơ bản đã thành công trong việc tách biệt vấn đề chiến tranh với ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trong nước, dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy cách làm này trong thời gian tới.

Thứ hai, trong bối cảnh khu vực phía Tây đối mặt với tình thế đối đầu, Nga cần phải tiếp tục chuyển hướng sang phía Đông.

Về chính sách đối ngoại, nhiều khả năng ông Putin sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao hiện tại, nhưng không chỉ chuyển hướng sang phía Đông để có thêm cơ hội hợp tác kinh tế mà còn quan tâm hơn đến Nam bán cầu. Từ tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo Nga có thể thấy ông vẫn thể hiện lập trường kiên định trong quan hệ với Trung Quốc và nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước là nhân tố ổn định, cho thấy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga sẽ tiếp tục tiến về phía trước.

Về mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, dự đoán xu thế đối đầu cao độ trong thời gian dài sẽ tiếp tục, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có những bước ngoặt mới.

Thách thức sắp xuất hiện

Một tuần trước cuộc bầu cử, trong cuộc tọa đàm với các sinh viên tốt nghiệp Trường hàng không quân sự Krasnodar, Tổng thống Putin nói, “cuộc đời giống như một thác nước”.

Cuộc đời tôi được tạo thành bởi vô số sự kiện và hoạt động khác nhau, như thác nước đổ xuống không ngừng”, ông Putin nói.

Đối với nhà lãnh đạo Nga, trong bối cảnh tình hình trong nước cũng như quốc tế diễn biến phức tạp và không ngừng thay đổi, “thác nước có thể vẫn đổ xuống” trước nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm. Có một số dấu hiệu cho thấy các thách thức sắp xuất hiện.

Đã hơn 2 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, dù người dân Nga đã bắt đầu thích nghi với thực tế mới, nhưng ảnh hưởng của xung đột quân sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn rõ rệt. Các nhà nghiên cứu xã hội Nga cho rằng, nỗi lo quân sự trong xã hội Nga đang được thay thế bằng nỗi lo thường nhật như nỗi lo kinh tế. Đối với người dân thường, ảnh hưởng trước tiên là về giá cả.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine kéo dài dai dẳng, các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục được áp dụng và thách thức đối với Nga vẫn rất nghiêm trọng”, ông Phùng Thiệu Lôi đánh giá.

Một mặt, NATO tiếp tục can thiệp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong khi Pháp đe dọa không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraine. Điều này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và khiến Nga phải chịu áp lực lớn hơn. Mặt khác, việc tăng tỷ trọng chi tiêu quân sự trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế nước này và mức độ ảnh hưởng cũng khiến người ta quan ngại.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, về lâu dài, dựa trên các yếu tố như tiềm năng nước lớn và những thay đổi về cơ cấu thể chế kinh tế, Nga rất có thể sẽ trụ vững trước sức ép của các hoạt động quân sự và biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hơn nữa, Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang cũng đề xuất các mục tiêu phát triển trong 6 năm tới, bao gồm tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học, tăng tỷ trọng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao trên thị trường nội địa, điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu kinh tế, khởi động các dự án quốc gia… Tất cả đều cho thấy Nga đã nhận thức được họ đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng và đang tìm giải pháp ứng phó.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương