Tại sao phải bóc giả mạc ở mắt khi điều trị đau mắt đỏ?

(Banker.vn) Bóc giả mạc ở mắt là quy trình thường quy trong điều trị viêm kết mạc (đau mắt đỏ), việc phải làm để thuốc điều trị viêm kết mạc phát huy tác dụng.
Đà Nẵng: Số trẻ em đau mắt đỏ tăng nhanh Những lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt trị bệnh đau mắt đỏ Xử trí như thế nào khi trẻ bị lây dịch đau mắt đỏ tại trường học?

Viêm kết mạc là tình trạng viêm phù nề của kết mạc, thường được gọi là đau mắt đỏ, là một bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn), dị ứng, hoá học….

Viêm kết mạc do virus là nguyên nhân thường gặp nhất, và Adenovirus là nhóm có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành các đợt dịch trong cộng đồng, tại trường học hoặc tại nhà. Bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây biến chứng trên giác mạc.

Tại sao phải bóc giả mạc ở mắt khi điều trị đau mắt đỏ?
Viêm kết mạc là tình trạng viêm phù nề của kết mạc, thường được gọi là đau mắt đỏ. Ảnh minh họa

Viêm kết mạc có giả mạc là tình trạng bề mặt mặt trên của kết mạc có màng. Trong y khoa chia làm 2 loại là màng giả và màng thật. Màng thật chính là biểu mô của kết mạc bị hoại tử, nó phù lên như một cái màng nhưng lại không thể bóc nó ra được.

Theo Ths. BS Hoàng Thanh Nga - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, màng giả hay còn gọi là giả mạc, thường do kết mạc bị viêm quá mức dẫn đến tăng thấm thành mạch, làm các protein phân tử lượng cao thoát ra khỏi mạch máu (đặc biệt là fibrinogen), tạo ra màng xuất tiết mà thành phần chủ yếu là fibrin phủ lên mặt trên của kết mạc. Giả mạc là biểu hiện của phản ứng viêm rất nặng.

Tình trạng giả mạc gặp trong nhiều bệnh về mắt chứ không riêng các bệnh viêm kết mạc do virus, vi khuẩn như bỏng mắt, hội chứng Stevens Johnson (dị ứng thuốc)…

Màng này như một tấm khiên chắn không cho thuốc tiếp xúc với kết mạc, đồng thời nó lại là nơi để vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nhưng vì là màng giả nên có thể bóc ra khỏi kết mạc tương đối dễ dàng.

Vì vậy điều trị viêm kết mạc có giả mạc cần phải bóc màng này khỏi kết mạc, phối hợp dùng thuốc kháng sinh, chống viêm để dự phòng nhiễm trùng, giảm tính thấm của thành mạch máu.

Các hướng dẫn trên thế giới hiện nay cũng đều khuyến cáo nên bó giác mạc bóc giả mạc để thuốc tra vào mắt ngấm tốt hơn và giảm tình trạng viêm xuất tiết. Trong một số bệnh lý viêm khác, giả mạc có thể làm dính kết mạc ở các vị trí khác nhau, ví dụ như bỏng, hội chứng Stevens Johnson mà không vệ sinh, bóc màng giả mạc trong giai đoạn cấp sẽ làm dính kết mạc mi vào kết mạc nhãn cầu gọi là dính mi cầu. Khi đó thì rất khó để chữa trị.

Bệnh nhân viêm kết mạc do virus có giả mạc sau khi bóc phải khám lại sau 2 - 3 ngày để xem mức độ tái lập và các biến chứng trên giác mạc nếu có. Tuỳ mức độ viêm mà giả mạc sẽ tái lập lại, thông thường mắt viêm kết mạc do virus có giả mạc phải bóc 2 -3 lần (sau mỗi 2-3 ngày) mới ổn định.

Ths. BS Hoàng Thanh Nga cho biết thêm, hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm. Thông thường không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống).

Tỷ lệ mắc bệnh viêm kết mạc cấp khoảng 0,03 - 1,10% trong tổng số toàn bộ dân số, nhưng trong các môi trường có sự tiếp xúc gần gũi giữa người có bệnh và người không có bệnh, như công sở, trường học thì tỷ lệ này tăng đột biến 10 - 32%.

Ths. BS Hoàng Thanh Nga khuyến cáo, đường lây lan bệnh viêm kết mạc có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh.

Với một số loại virus đường hô hấp (như Adenovirus…) đường lây có thể qua giọt bắn. Thời gian ủ bệnh viêm kết mạc có thể từ 1 đến 2 tuần và thời gian người bệnh có thể lây cho người lành là từ 2 tuần trở lên kể từ khi biểu hiện bệnh. Đặc biệt một số trường hợp mắc virus, chưa có biểu hiện viêm kết mạc nhưng đã có thể lây cho người khác, vì vậy dễ tạo nên dịch trong cộng đồng.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương